![]() |
Từ ngày 1/7/2021, BIDV mở rộng quy mô gói vay “Kết nối - Vươn xa” từ 60.000 tỷ đồng lên 135.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5% - 5,5%/năm. |
Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình. Điển hình như Vietcombank đến thời điểm này, dư nợ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 398.223 tỷ đồng, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất 6 tháng đầu năm là 2.115 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, một số ngân hàng thương mại hiện cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19. Agribank vừa triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất từ 6,5-7%/năm. Từ ngày 1/7/2021, BIDV mở rộng quy mô gói vay “Kết nối - Vươn xa” từ 60.000 tỷ đồng lên 135.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5% - 5,5%/năm.
Khách hàng cá nhân ở khu vực đô thị có nhu cầu mua sắm, sinh hoạt sẽ được vay vốn đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhằm hạn chế nạn tín dụng đen.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cầu tín dụng được dự báo sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay. Lượng vốn cần để đáp ứng cầu tín dụng cũng sẽ tăng tương ứng, áp lực tăng lãi suất vì thế cũng sẽ lớn hơn.
Để giảm áp lực tăng lãi vay, một dòng tiền lớn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm vào thị trường, đồng thời không để ảnh hưởng đến tỷ giá. Theo đó, hợp đồng bán kỳ hạn 6 tháng trị giá gần 7 tỷ USD của các ngân hàng cho NHNN sẽ đáo hạn trong tháng 7 và 8/2021, đồng nghĩa có 157.000 tỷ đồng đang được NHNN bơm ra thị trường.
Điều này đã được thể hiện ngay trong các ngày đầu tháng 7, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục chứng kiến mức giảm rất sâu ở nhiều kỳ hạn.
Dữ liệu thống kê thị trường vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho thấy trên thị trường liên ngân hàng, tính đến đầu tháng 7/2021, lãi suất có diễn biến giảm ở cả 3 loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức giảm lần lượt là 0,18%, 0,19% và 0,1%, xuống mức 1,03%, 1,22% và 1,64%/năm.
Đáng chú ý trên thị trường huy động vốn dân cư, bảng tổng hợp và so sánh lãi suất của BVSC cho thấy, lãi suất huy động trung bình có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 6/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng giảm lần lượt 0,02% và 0,03%, xuống 4,82% và 5,61% vào cuối tháng 6.
Theo mẫu thống kê của BVSC, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động thấp nhất và cao nhất hiện đang vẫn đang được áp dụng ở mức 3,7% và 6,05%. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất tiếp tục ở mức 4,6% và cao nhất là 6,9%.
Các chuyên gia đánh giá, việc bơm VND vào thị trường lúc này sẽ làm dịu bớt áp lực tăng lãi suất. Theo Công ty Chứng khoán KB, lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng tiếp tục gây ảnh hưởng tới cầu tín dụng. Ngoài ra, dòng tiền VND thông qua kênh giao dịch mua ngoại tệ sẽ quay trở lại trong tháng 7 sẽ cung cấp một lượng thanh khoản VND cho hệ thống ngân hàng.
Khảo sát mới đây của NHNN cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn tăng 5,5% trong quý III và tăng 11,9% trong năm 2021. Đáng chú ý là các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được dự báo xoay quanh mức hiện tại tính đến cuối năm 2021.
Huyền Anh