![]() |
HTX, doanh nghiệp mong muốn được kéo dài thời gian hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ và được vay vốn mới với lãi suất ưu đãi. |
Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 gây ra tác động ngày càng lớn, những giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng hiện nay với đại đa số HTX, doanh nghiệp là chưa đủ để thoát khỏi “bờ vực” phá sản.
Cần thêm trợ lực
Bà Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chỉ có một số các HTX sản xuất lúa gạo, chăn nuôi lợn và gia cầm, rau xanh là có cơ hội tồn tại do thị trường trong nước vẫn có nhu cầu. Còn phần lớn các HTX trong ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là lĩnh vực du lịch, vận tải đều giảm sản lượng và doanh thu, thậm chí ngừng hoạt động.
“Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, trong khi đại đa số HTX hiện nay gần như đã “kiệt” nguồn vốn để tái sản xuất và đầu tư chuồng trại, mặc dù Liên minh HTX tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ về vốn, đầu ra sản phẩm cho các HTX, các tổ chức tín dụng cũng đã cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay”, bà Định cho hay.
Thời gian qua, đã có nhiều HTX chủ động thay đổi, thích ứng trong bối cảnh mới như liên kết nhiều HTX lại với nhau để tạo nhóm cùng nhau bán hàng... Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn khó tiếp cận được vốn vay mới từ ngân hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch bệnh không biết bao giờ mới kết thúc. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được kéo dài thời gian hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ và tạo cơ chế thoáng hơn để doanh nghiệp có thể vay mới.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, là số lượng doanh nghiệp lớn, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cực kỳ nặng nề.
Có thể nói, lãi suất chưa bao giờ thấp như bây giờ, nhưng cơ hội để vay và phục hồi sản xuất rất khó. Tài sản thế chấp là vấn đề lớn, chỉ dùng để đi vay được khoản ban đầu, nhưng đọng vốn rồi đi vay rất khó. Doanh nghiệp phải có sức mới có thể chống chọi được trong tình hình hiện nay.
“Chúng tôi mong ngân hàng cho nợ dài hạn hơn để có điều kiện phục hồi. Trong những tháng ảnh hưởng Covid-19, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Ngân kiến nghị.
Sẽ giảm thêm lãi suất cho vay
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận đã nhận được hàng nghìn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng là HTX và doanh nghiệp. Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, theo thống kê mới nhất, có khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Còn tại Sacombank, con số này là 22.0000 tỷ đồng.
“Hiện, tốc độ các khách hàng gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đội ngũ xử lý phải chạy hết tốc lực”, ông Thanh cho hay.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại thông tin, thời gian qua, các ngân hàng cũng chủ động rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19, trên cơ sở đó có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp không chỉ là cách ngân hàng đang “chia lửa” cùng, mà cũng là cứu chính bản thân mình”, vị này cho hay.
Chẳng hạn, trong tháng 6, ABBank triển khai gói "Vay kinh doanh - Phát tài nhanh" với hạn mức giải ngân lên đến 8.000 tỷ đồng. Mức lãi suất ưu đãi của gói vay này có phần hấp dẫn hơn, chỉ từ 7-7,5%/năm tùy theo các điều kiện tương ứng, dành cho khách hàng có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Tương tự, SCB cũng đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh với mức lãi suất giảm từ 0,5-1% đối với các khoản vay mới.
Trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của Covid-19. Trong đó, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng khác.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc công khai lãi vay hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh tác động là cần thiết để giúp HTX, doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt khi có nhu cầu vốn.
Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, các ngân hàng luôn sẵn sàng để cho vay, vấn đề là doanh nghiệp có tạo được niềm tin về khả năng trả nợ hay không. Doanh nghiệp nào chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, tiết giảm chi phí, chứng minh nguồn vốn vay cần thiết cho hoạt động trực tiếp của kinh doanh thì sẽ được ngân hàng rót vốn, và các doanh nghiệp đó có nhiều khả năng thoát khỏi khó khăn và phát triển.
“Những doanh nghiệp không chủ động cắt giảm chi phí, lập kế hoạch kinh doanh theo hướng tập trung và giảm nhu cầu vốn; mà cứ đòi hỏi Chính phủ và ngân hàng cấp vốn đủ, vốn lãi suất ưu đãi thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn, và khó được ngân hàng cho vay”, ông Hiển nói.
Huyền Anh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.