![]() |
Tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn tại Techcombank tăng lên 39,1% từ 25,5% trong năm ngoái. |
Cụ thể, quý II/2021, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank đạt 9.200 tỷ đồng, riêng thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.584 tỷ đồng, tăng 67%, chiếm 71,6% tổng thu nhập hoạt động.
Lũy kế 6 tháng, ngân hàng đạt tổng thu nhập hoạt động hơn 18.100 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp vào thu nhập mạnh nhất là nhờ thu nhập lãi thuần đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, với thu nhập lãi cho vay lên tới 12.944 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.782 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 1.166 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.
Do nợ xấu nhóm 3,4,5 trong 6 tháng đầu năm giảm còn 0,36% nên chi phí dự phòng của Techcombank ở mức 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 11.530 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2021.
Trong một diễn biến liên quan, Công ty CP chứng khoán SSI cũng vừa phát hành báo cáo về Techcombank đề cập đến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này. Các chuyên gia đánh giá, tăng trưởng tín dụng tiếp tục đà tăng mạnh mẽ kể từ 2020, đạt 12,6%, cao hơn nhiều so với trung bình toàn hệ thống là 5,5% (tăng trưởng tính theo quy định của NHNN chỉ ở mức 11,2%, thấp hơn nhiều so với mức trần ban đầu là 12% cho năm 2021).
Cho vay bán lẻ hồi phục khá 16% so với đầu năm, sau khi trải qua năm 2020 ảm đạm, chỉ đạt 5.6%. Theo ước tính của SSI tăng trưởng mạnh nhất là cho vay thế chấp tài sản nhà, cho vay hộ gia đình, cho vay trả góp và các khoản vay khác (tăng 31%), cũng như cho vay mua nhà (tăng 15,6%) và cho vay mua ô tô (tăng 12%).
Tuy nhiên, SSI khuyến cáo, Techcombank có dư nợ cho vay nhóm bất động sản cao, đây là những công ty có tham gia đầu tư vào mảng khách sạn, nhà hàng hiện có rủi ro cao hơn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Cho vay SME, khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp tăng khá đồng đều ở mức 10,3%, 11,2% và 10,7% so với đầu năm. Sau năm 2020 tăng trưởng mạnh, mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (tăng 42,2% ) đã tăng vị thế trong tổng tín dụng, đóng góp 49% so với chỉ 42,6% trong 2019.
Cho vay ngành tiêu dùng nhanh, bán lẻ, kho vận tổng cộng tăng 19% lĩnh vực ReCoM (bất động sản, xây dựng, vật liệu) tăng 11%, trong khi cho vay du lịch giải trí (chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid- 19) giảm 45%.
Trong quý II, biên độ lãi ròng (NIM) của ngân hàng tăng 157 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 5,9% do một số yếu tố như: lãi suất huy động trung bình giảm 200 điểm cơ bản so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất toàn hệ thống; Tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng mẹ lên 39,1% từ 25,5% trong năm ngoái. Ngân hàng đã tích cực tăng cho vay trung và dài hạn lên 16,9%, trong khi cho vay ngắn hạn chỉ tăng 5,1%. Đồng thời, tiền gửi dài hạn từ khách hàng giảm 22%, trong khi tiền gửi ngắn hạn tăng 5,3%. Cần lưu ý rằng mức trần cho tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn hiện là 40%. Theo lộ trình của các ngân hàng trong nước, tỷ lệ này cần giảm xuống 37% kể từ tháng 10/2021.
Cùng với đó, tổng dư nợ cho vay tăng 41 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 11,7 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. 29,3 nghìn tỷ đồng còn lại (chiếm 72% mức tăng tổng dư nợ cho vay) đến từ nguồn vốn lãi suất thấp hơn từ các tổ chức tài chính khác, một phần lớn ở nước ngoài.
"Vốn huy động từ tổ chức tài chính khác trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 43,2 nghìn tỷ đồng (91%). Theo ban lãnh đạo, nguồn vốn này cũng được đầu tư vào thị trường liên ngân hàng. Cho vay và tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 80%", SSI lưu ý.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tăng 43 điểm cơ bản so với cùng kỳ, do chuyển sang cho vay kỳ hạn dài hơn. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Thanh Hoa