![]() |
Chè Bản Liền vươn xa ra thị trường thế giới nhờ có HTX (Ảnh:TL) |
Thực tế, không ít HTX tại các địa phương đã khẳng định được vai trò trong việc làm bệ đỡ cho kinh tế hộ, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân.
Liên kết tổ chức sản xuất
Nổi bật là HTX chè Bản Liền (xã Bản Liền) đã thu hút được 300 hộ dân tham gia liên kết sản xuất chè Shan hữu cơ. Song song đó, HTX đầu tư cơ sở chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Với diện tích hơn gần 500 ha chè, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên và người dân. Người dân cam kết sản xuất chè nguyên liệu theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng vùng chè.
Nhờ đó, sản phẩm chè Bản Liền đã đạt Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Canada và Mỹ, Chứng nhận Fairtrade Certificate - Ban Lien Organic Tea Cooperative (Chè hữu cơ thương mại bình đẳng)...
Đây là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè của HTX Bản Liền thâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu, là sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và HTX. Sản phẩm chè Shan hữu cơ Bản Liền cũng là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt chứng nhận 5 sao duy nhất của Lào Cai, từ đó mở ra cơ hội liên kết làm ăn giữa HTX với hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo tính toán của HTX, 1ha chè nguyên liệu mang lại nguồn thu khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ bán nguyên liệu chè hữu cơ cho HTX. Từ thành công của HTX Bản Liền đã mở hướng giúp địa phương phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân và triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2016- 2020 của địa phương, xã Nậm Đét đã tập hợp những tổ nhóm cùng sở thích trồng quế trên địa bàn xã, thành lập HTX Quế hữu cơ Nậm Đét để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân. Việc hình thành HTX Nậm Đét cũng là hướng đi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân.
![]() |
HTX Nậm Đét góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời góp phần chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới (Ảnh:TL) |
Ngay sau khi HTX Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập đã tạo việc làm cho 50 lao động tại địa phương, bao tiêu sản phẩm và các dịch vụ cho hộ thành viên. HTX đã xây dựng thành công chứng nhận Quế hữu cơ quốc tế đi đôi với tập trung xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để chế biến sản phẩm quế, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị cao…
Bên cạnh phát triển các sản phẩm quế, HTX còn triển khai đồng thời các ngành nghề khác như bán buôn nông - lâm sản nguyên liệu, trồng cây gia vị, dược liệu, trồng và chăm sóc rừng...
Hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX Nậm Đét đã góp phần không nhỏ vào vào quá trình hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại xã Nậm Đét vào cuối năm 2019.
Mở rộng đầu ra, nâng giá trị nông sản
Bắc Hà là huyện vùng cao có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như rượu ngô, tương ớt, trà túi lọc nấm linh chi, nụ hoa tam thất, rau an toàn, chè, quế… Để phát triển được các sản phẩm này theo chuỗi giá trị, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thì việc phát triển mô hình HTX là hoàn toàn phù hợp.
Thực tế cho thấy, các HTX trên địa bàn huyện đang góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Khi HTX hoạt động hiệu quả sẽ là công cụ nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Đặc biệt, những năm gần đây, gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, các HTX đã có nhiều nỗ lực trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh, phần nào đã tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.
Tiêu biểu như HTX Dì Thàng (xã Na Hối) đã tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây chính là cơ hội để sản phẩm của HTX tiếp cận với các thị trường khó tính.
Đến nay, một số siêu thị và cửa hàng rau cao cấp tại Hà Nội, như Ecomart, Vinagap, Biggreen và 10 cửa hàng bán lẻ đã cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của HTX với sản lượng trung bình 300-500kg/ngày. Mỗi thành viên HTX có thể thu về gần 100 triệu đồng từ sản xuất rau an toàn. HTX Dì Thàng chính là nhân tố chính giúp xã Na Hối nhanh chóng về đích nông thôn mới cũng như giữ vững các tiêu chí sau khi đạt chuẩn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường, các HTX ở Bắc Hà đã không ngừng ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.
Theo UBND huyện, nhờ lấy mô hình HTX làm nòng cốt để phát triển kinh tế xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến nay đã đạt 30 triệu đồng/năm, tăng 22,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Như Yến