![]() |
Tỉnh Nghệ An chủ động “chọn lối đi riêng” cho mình khi gắn công cuộc xây dựng nông thôn mới. |
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An nói rằng, với 3/4 diện tích của tỉnh là đồi núi hiểm trở, khoảng cách về địa lý là những "lực cản" khiến cho Nghệ An không dễ dàng để sớm thực hiện thành công toàn diện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Lối đi riêng
Đứng trước thách thức đó, Nghệ An đã chủ động “chọn lối đi riêng” cho mình khi gắn công cuộc xây dựng nông thôn mới với phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào công nghệ cao và liên kết.
Sau 3 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM thôn, riêng các bản tại các huyện miền núi Nghệ An, đã có 674 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Trong đó có 570 thôn, bản thuộc các xã miền núi khó khăn.
Nhờ đó, bộ mặt NTM, của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nhất là các vùng khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân nông thôn được nâng lên đáng kể.
Nhiều con đường được mở rộng, nâng cấp rợp bóng cây và rực rỡ cờ hoa. Trường học, trạm y tế khang trang, sạch đẹp. Làng du lịch cộng đồng để giới thiệu bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc bản địa. Hàng chục trang trại cho thu nhập cao trải dài ngút ngàn tầm mắt…
Tuy nhiên, để có được kết quả này là sự đồng thuận cao của người dân sinh sống tại địa phương. Cách làm sáng tạo, cách tiếp cận phù hợp tình hình thực tế của địa phương để thực hiện. Giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau.
Nhiều địa phương đã gắn xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản với du lịch cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng tại bản Nưa, bản Pha, xã Yên khê, (Con Cuông), bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông), bản Xiềng, xã Môn sơn (Con Cuông), bản Yên Thành, xã Lục Dạ (Con Cuông), bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu), bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ)...
Lan toả các mô hình HTX
Sẽ là thiếu sót nếu nói đến các mô hình THT hay ở Con Cuông mà không nhắc tới THT xã Bồng Khê (huyện Con Cuông). Đây có thể xem là một điển hình phát triển kinh tế, xây dựng NTM ở địa phương. Chị Bùi Mỹ Hà – thành viên tổ hợp tác cho biết, gia đình chị thuần nông, làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ gạo ăn. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia vào tổ hợp tác và được cán bộ nông nghiệp huyện về hướng dẫn cách trồng bưởi da xanh, từ đó gia đình chị đã “đổi đời”.
![]() |
Mô hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại xã Bồng Khê, Con Cuông. |
Hiện gia đình chị Hà dành 3.600m2 đất để trồng 150 cây bưởi da xanh. Sau 2 năm chăm sóc đến nay mỗi năm gia đình chị thu lãi ròng 150 – 200 triệu đồng, một con số “trong mơ” so với thu nhập bình quân của dân địa phương.
Hiệu quả từ mô hình trồng bưởi da xanh mang lại, nhiều thành viên tổ hợp tác cũng đã chuyển đổi giống cây trồng xanh bưởi da xanh và cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Anh Bùi Anh Dũng chủ trang trại bưởi da xanh ở thôn 2/9 cho biết: Vườn bưởi của gia đình anh đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhiều khách hàng đã đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại đặt hàng nên không lo đầu ra nữa. Giá mỗi quả từ 50 – 60 ngàn đồng, trừ các khoản chi phí gia đình tôi cũng có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
"Sắp tới ở trang trại này tôi sẽ trồng thêm một số cây dừa lùn Bến Tre nữa để đa dạng sản phẩm của mình" anh Dũng nói.
Ngoài ra, người dân nơi đây còn có 20 trang trại trồng các loại cây ăn quả khác như ổi, táo, cam, thanh long, chè công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu và chế biến nông lâm sản đem lại giá trị kinh tế lớn cho thu nhập cao từ 200 – 700 triệu đồng/năm.
Hay như ở xã Bồng Khê có HTX nông nghiệp và du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan và lưu trú. Kinh tế phát triển, có thu nhập cao, các gia đình đầu tư xây dựng được nhà kiên cố 2, 3 tầng, mua sắm nhiều vật dụng cao cấp đắt tiền phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Để có những mô hình hiệu quả như trên, từ 7 năm qua, lãnh đạo địa phương đã đi tham quan học hỏi nhiều nơi, tìm phương án hiệu quả đem về gây dựng tại xã.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng- Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho biết: để đạt được kết quả như ngày hôm nay, yếu tố quan trọng nhất là sự đoàn kết, nhất trí cao, ý Đảng hợp với lòng dân. Khi mọi người dân đã đồng thuận thì không có việc gì không làm được.
Chính những mô hình hay, cách làm tốt ở từng HTX, THT, thậm chí là từng cá nhân đã tạo nên một diện mạo mới cho bức tranh NTM ở Nghệ An trong những năm vừa qua. Nhưng để bức tranh đó ngày càng đẹp thì bên cạnh những nỗ lực của Chính quyền thì bản thân từng HTX, THT cũng phải thay đổi để NTM ở Nghệ An sẽ ngày một phát triển bền vững.
Hà An