Đến năm 2020, huyện Văn Lâm đặt mục tiêu sẽ có 70% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 5 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi xã phấn đấu có từ 1 - 2 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đến năm 2025, Văn Lâm phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao và đến năm 2030 đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Chung tay xây dựng nông thôn
Hiện nay, huyện Văn Lâm đã huy động được nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM, riêng nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và ủng hộ của người con quê hương chiếm gần 600 tỷ đồng để xây dựng hơn 300 km đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. Đáng chú ý, huyện đã kiểm soát tốt nguồn vốn và là huyện điển hình không mắc phải việc nợ đọng xây dựng cơ bản như nhiều địa phương khác.
![]() |
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao để nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích (Ảnh: TL) |
Là địa phương nằm giáp Thủ đô Hà Nội, có tuyến Quốc lộ 5 chạy qua, huyện Văn Lâm có nhiều lợi thế và trở thành “đầu tàu” về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư của Hưng Yên. Trên địa bàn hiện có khu công nghiệp Phố Nối A và 3 cụm công nghiệp với 850 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động.
Lãnh đạo UBND huyện Văn Lâm cho biết, trong điều kiện đất canh tác bị thu hẹp do xây dựng các khu công nghiệp, huyện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao để nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích. Trong đó, quy hoạch 6 vùng liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, theo từng loại hình gồm: cây ăn quả VietGAP, lúa chất lượng cao, dược liệu, hoa cây cảnh.
Theo đó, huyện đã phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả cao cho lợi nhuận mỗi năm trên 300 - 500 triệu đồng/ha. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đạt bình quân 185 triệu đồng/ha.
HTX là một “đầu tàu” mạnh
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Lâm, toàn huyện đến nay có 19 HTX nông nghiệp đã hoàn thành tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012. Trên địa bàn huyện còn hình thành nhiều vùng sản xuất theo chuỗi giá trị như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô 40ha/vụ ở xã Việt Hưng; vùng trồng kiệu 15ha tại thôn Tân Nhuế (xã Lạc Đạo), vùng trồng hoa cây cảnh 40ha ở các xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh…
![]() |
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (Ảnh: TL) |
Những mô hình này đều cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa, giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng.
Một trong những điển hình hoạt động có hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác tại huyện Văn Lâm là HTX chăn nuôi an toàn Siêu Việt (xã Lạc Đạo). Năm 2019 vừa qua, giữa lúc “bão” dịch tả lợn châu Phi vẫn hoành hành trên khắp cả nước, nghe chuyện nhiều hộ vẫn thu tiền tỷ từ con lợn, thịt sản xuất ra không đủ bán... thật khó tin, nhưng lại là chuyện có thật tại HTX Siêu Việt.
Theo đó, với 100 lợn nái, khoảng 5.000 lợn thịt, HTX Siêu Việt hoàn toàn chủ động từ đầu vào (con giống, thức ăn) tới đầu ra nhờ thực hiện khâu giết mổ, đóng gói và tiêu thụ.
Đặc biệt, để tạo ra sản phẩm thịt lợn thơm ngon, đảm bảo an toàn, HTX không chỉ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nghiêm ngặt, ưu tiên sử dụng thức ăn từ cám ngô, cám gạo, sắn, rau bèo có trộn thêm lá đinh lăng, mà lợn còn được cho tắm nắng, chơi ngoài khu vực sân riêng…
Hiện, HTX có 2 cửa hàng bán thực phẩm ở địa bàn Hưng Yên và 3 cửa hàng tại Hà Nội, mỗi ngày giết mổ từ 5 - 10 con lợn, ngày cao điểm lên tới 15 - 16 con. Vì thế thành viên nuôi được con nào, HTX bao tiêu hết tới đó, thậm chí còn không đủ thịt sạch cung cấp cho khách hàng.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Việt cho biết, doanh thu năm ngoái của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng, dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 30 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ thành viên thu nhập ít nhất đạt 2 - 3 tỷ đồng, nhiều lên tới khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Về huyện Văn Lâm, hôm nay nhiều HTX đã chủ động phát triển chăn nuôi, sản xuất...như mô hình HTX chăn nuôi an toàn Siêu Việt đang làm. Điều này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống nguời lao động. Về cơ sở hạ tầng, đường sá rộng thênh thang, sạch đẹp vào tận xóm ngõ, hai bên đường là những rặng hoa nở sắc vàng, sắc tím rực rỡ. 100% đường huyện và trục xã đảm bảo ô tô đi lại thuận lợi. Khắp xóm làng san sát những dãy nhà kiên cố, cao tầng; từ trụ sở xã, trạm y tế, hệ thống trường học đến nhà văn hóa thôn đều được đầu tư chỉnh trang, xây mới khang trang.
Đáng chú ý, sự khang trang này đều đến từ sự chung tay đóng góp của người dân và nguồn vốn xã hội hóa. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,03% (trong đó có gần 270 hộ nghèo diện chính sách).
Năm 2020, huyện Văn Lâm đã đề ra kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm, 100% số hộ dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, toàn huyện có ít nhất 70% số xã được công nhận xã NTM nâng cao và có ít nhất 5 xã đạt NTM kiểu mẫu...
Đức Nguyễn