Kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chú trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng NTM, đưa Hưng Yên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; hoàn thành 100% cấp huyện đạt NTM, đưa Hưng Yên là tỉnh NTM năm 2020.
Thúc tiến độ từ các huyện
Số liệu của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên cho thấy, tính đến nay, tỉnh đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4 huyện, TP đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM là huyện Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào và TP Hưng Yên.
![]() |
Tỉnh Hưng Yên đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, với nhiều tiêu chí đạt điểm cao (Ảnh: TL) |
Theo tự đánh giá của 6 huyện chưa được công nhận huyện NTM, các huyện đều đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM. Những tiêu chí khó còn thiếu, yếu đã thực hiện được 60 - 80%, các huyện đang tăng tốc thực hiện để về đích đúng hẹn.
Trong đợt thẩm tra mới đây, huyện Phù Cừ được tỉnh thẩm tra đầu tiên trong 6 huyện, cũng là huyện đi đầu với kết quả thẩm tra 8/9 tiêu chí đạt, 1 tiêu chí cơ bản đạt. Hiện nay, huyện đang tích cực làm tốt hơn nữa các nội dung: Lập quy hoạch vùng huyện; chỉnh trang cảnh quan nông thôn; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân...
Là địa phương đăng ký về đích vào năm nay, huyện Kim Động đang tập trung rà soát và đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp thẩm tra, thẩm định. Năm 2019 - 2020, huyện đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở, huy động nguồn lực thực hiện chương trình; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn; chú trọng đầu tư phát triển sản xuất. Nhiều tiêu chí huyện đã hoàn thành với chất lượng tốt như: Giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất. Huyện đang khẩn trương thực hiện các nội dung như: Giải quyết dứt điểm tình trạng vứt, đổ rác không đúng nơi quy định; tổ chức dọn dẹp cây, cỏ dại dọc các tuyến đường giao thông. Có kế hoạch phân công cho từng phòng, ngành và giao trách nhiệm cho từng địa phương, tổ chức ra quân chỉnh trang nông thôn trên địa bàn, tổ chức trồng hoa, trồng cây xanh tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Do còn nợ đọng xây dựng NTM 38,5 tỷ đồng, từ đầu năm đến nay, huyện đã chủ động tạo nguồn thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, phấn đấu xử lý dứt điểm nợ đọng trong quý II.
Để hỗ trợ các huyện về đích NTM, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đang tăng cường kiểm tra, đánh giá và đôn đốc thực hiện các nội dung trọng tâm và các phong trào thi đua gắn với xây dựng NTM. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách, hỗ trợ theo các chương trình, dự án gắn với xây dựng NTM; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh phối hợp, tuyên truyền, cùng các địa phương giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc.
Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2019, kinh tế của Hưng Yên đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, tăng trưởng GRDP đạt 9,72% (cao hơn tăn g trưởng GDP cả nước là 7,02%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ 92%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 74 triệu đồng/năm; là một trong 8 tỉnh hoàn thành 100% số xã chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9% (thấp hơn mức bình quân cả nước 4%).
![]() |
Các HTX góp phần quan trọng trong xây dựng NTM thông qua liên kết sản xuất, tăng giá trị các đặc sản của địa phương (Ảnh: TL) |
Những thành tựu đã đạt được trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Hưng Yên đến nay có được là nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn, trong đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nhất là HTX nông nghiệp.
Qua tìm hiểu thực tế hoạt động của các HTX ở các địa phương có thể thấy trong xây dựng NTM, vai trò chủ thể chính là người dân, sự liên kết giữa những người nông dân với nhau không chỉ là sự hợp tác đơn thuần, mà còn phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng cá thể, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nông thôn...
Điển hình như xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014. Sau 5 năm tập trung triển khai, chỉ đạo, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, theo đánh giá của xã, tổng số tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định của UBND tỉnh Hưng Yên là 19/19 tiêu chí (tổng số điểm tự chấm là 1.970/2.000 điểm) và đã gửi hồ sơ để huyện, tỉnh thẩm định công nhận.
Xã Yên Phú có giải pháp thúc đẩy HTX dịch vụ nông nghiệp phát triển, tạo mối liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị. Kết quả, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tập trung vào sản xuất cây hàng hóa có giá trị cao: rau sạch, cam Vinh, bưởi Diễn; thành lập mới 2 HTX cây có múi. Hỗ trợ để HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Phú phát triển và là một trong các HTX phát triển điển hình của tỉnh, làm tốt cầu nối giữa người nông dân sản xuất với nhà khoa học, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau củ quả của Yên Phú.
Theo đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Phú - HTX được chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012 sớm nhất trong huyện Yên Mỹ, đến nay đã có 120 thành viên, vốn điều lệ 209 triệu đồng, doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. HTX thực hiện các hoạt động thuỷ nông, cung ứng vật tư nông nghiệp, trồng rau, củ, quả và thực hiện liên kết với một số siêu thị, công ty trong việc tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các thành viên HTX.
Diện tích sản xuất của HTX đạt 15,5ha thuộc 2 thôn Mễ Thượng và Mễ Hạ với 20 chủng loại sản phẩm được chứng nhận VietGAP chủ yếu là cải ngọt, cải chíp, su hào và bắp cải, bầu bí và các loại rau gia vị mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/ha.
Đức Nguyễn