Quý I/2025 đã chứng kiến các biến động bất lợi trên thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là xu hướng tăng lãi suất USD và rủi ro tỷ giá, gây áp lực lên chi phí vốn và thanh khoản. Với đặc thù là ngành nhạy cảm với biến động vĩ mô, ngân hàng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng từ môi trường kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước đang đối mặt với bài toán lãi suất đầu vào gia tăng, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có lợi suất cao và dịch vụ đi kèm. Áp lực cạnh tranh từ các định chế tài chính phi ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng tạo thêm rào cản cho tăng trưởng bền vững.
Ngân hàng rất nhạy cảm với biến động vĩ mô
Tại các đại hội cổ đông thường niên gần đây, nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận các yếu tố bất định của môi trường kinh tế trong và ngoài nước đang tạo sức ép lớn đến kế hoạch kinh doanh năm 2025, đặc biệt là các chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Anh nhìn nhận: “Ngành ngân hàng rất nhạy cảm với biến động vĩ mô. Lãi suất USD tăng, tỷ giá biến động khó lường, khiến chi phí đầu vào tăng và biên lợi nhuận chịu áp lực đáng kể. Trong bối cảnh đó, ngân hàng phải tập trung kiểm soát rủi ro, tối ưu cấu trúc nguồn vốn”.
Tương tự, lãnh đạo LPBank đánh giá, việc Hoa Kỳ đưa ra chính sách thuế mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu – một trong những đầu kéo chính của kinh tế Việt Nam. Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà cho biết: “Dù dư nợ trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp xuất khẩu tại LPBank không nhiều, nhưng chúng tôi đã chủ động thành lập công ty xử lý nợ xấu riêng để ứng phó kịp thời với mọi tình huống bất lợi”.
![]() |
Triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn được đánh giá là tích cực, thậm chí một số nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng cao kỷ lục, lập đỉnh mới về lợi nhuận. |
Lãnh đạo VPBank cũng đánh giá chính sách thuế đối ứng từ phía Mỹ là một ẩn số khó dự đoán. Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank, ngân hàng đang theo dõi sát diễn biến để cập nhật các kịch bản ứng phó phù hợp, đồng thời rà soát lại kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh áp lực kinh tế toàn cầu và nội địa đều gia tăng.
Theo nhìn nhận từ các lãnh đạo ngành, nhiều kế hoạch này được xây dựng từ thời điểm đầu năm, khi chưa xuất hiện căng thẳng thương mại, hiện đang trở nên khó đạt hơn so với dự tính ban đầu. Các tổ chức tín dụng đang phải rà soát lại kịch bản điều hành, tăng cường năng lực quản trị rủi ro và chuẩn bị giải pháp linh hoạt ứng phó nếu các chính sách thuế quan quốc tế có hiệu lực trong nửa cuối năm.
Đại diện VietBank cho biết, với mục tiêu tăng lợi nhuận 55% trong năm nay, ban điều hành đang chịu nhiều áp lực điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh mới.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2 con số
Đến cuối tháng 4/2025, phần lớn ngân hàng thương mại đã hoàn tất Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Dù vậy, theo tổng hợp từ các đại hội cổ đông thường niên đã diễn ra trong tháng 4, phần lớn ngân hàng vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số. Một số đơn vị hướng tới tăng trưởng 20–30%, với kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, đa dạng hóa nguồn thu và đẩy mạnh số hóa để kiểm soát chi phí.
Một số tổ chức tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá cao so với năm trước. Chẳng hạn, LPBank hướng tới lợi nhuận trước thuế hơn 14.800 tỷ đồng, tăng hơn 22%, đồng thời dự kiến tăng tín dụng gần 16% và tổng tài sản tăng khoảng 3,5%. Kết quả quý I ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.100 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 5.100 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm 2024. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn cũng được điều chỉnh lên lần lượt hơn 16% và 15,5%. Đồng thời, ngân hàng này dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu về dưới 2%.
Trong khi đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 25.300 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước – mức cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn kế hoạch lợi nhuận đến từ ngân hàng mẹ, bên cạnh đóng góp của các công ty thành viên hoạt động trong mảng tài chính tiêu dùng, chứng khoán và bảo hiểm.
Các ngân hàng đều cho rằng việc duy trì tăng trưởng không phải bằng mọi giá, mà cần gắn chặt với nâng cao chất lượng tài sản và năng lực quản trị. “Chúng tôi không mở rộng dư nợ bằng mọi giá, mà lựa chọn tăng trưởng ở phân khúc khách hàng an toàn và có khả năng chống chịu tốt với rủi ro”, đại diện LPBank nhấn mạnh.
Nhiều ngân hàng cho biết đã và đang cơ cấu lại danh mục tín dụng, đẩy mạnh số hóa, tinh gọn bộ máy để tăng hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí. Đồng thời, các giải pháp tăng thu ngoài lãi – như dịch vụ, bancassurance, ngoại hối – cũng được đẩy mạnh để giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, các ngân hàng đều cho biết sẽ triển khai các chương trình tinh gọn quy trình nội bộ, tăng cường kiểm soát rủi ro và lựa chọn phân khúc tăng trưởng phù hợp. Một số ngân hàng nhấn mạnh định hướng tập trung vào khách hàng an toàn, kiểm soát chất lượng tín dụng, và nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất và áp lực từ chính sách thuế quan vẫn đang hiện hữu.
Thanh Hoa