Theo chiến lược phát triển các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao, thay thế các cây trồng truyền thống, qua phối hợp với CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khảo sát thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, UBND huyện Ia Pa định hướng phát triển 2 loại cây trồng là dứa và bắp ngọt tại một số xã, trong đó có Pờ Tó.
Từ những tỷ phú nông dân…
Anh Bùi Đức Trung (thôn 4) là một trong những thanh niên thế hệ mới làm giàu từ nông nghiệp. Vợ chồng anh có trang trại rộng 9ha chuyên canh xoài Úc và xoài Đài Loan, mỗi năm thu hoạch hơn 30 tấn quả.
![]() |
Đã xuất hiện những tỷ phú nông dân nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Ảnh: TL) |
“Tôi trồng xoài đã 4 năm. Lúc đầu là liên kết với các hộ có đất để trồng vì tôi chỉ có 4ha, sau đó thì thuê lại diện tích của họ để đảm bảo ổn định sản lượng cung cấp cho đối tác. Bởi trồng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc, nên tôi chăm sóc khá kỹ lưỡng để trái xoài đạt kích cỡ bình quân 600 gram trở lên. Đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn để mua với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm xấp xỉ 900 triệu đồng”, anh Trung khoe.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Tú (thôn 5) lại nổi tiếng với trang trại tổng hợp gồm 1,5ha dừa xiêm, 1ha cây mủ trôm, 1ha xoài và nuôi gà, dê, đà điểu. Trang trại gần suối, sẵn nước nên quanh năm luôn có trái cây để bán. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Ở xã Pờ Tó hiện có 13 hộ sở hữu trang trại cây ăn quả với diện tích 5ha trở lên. “Qua vận động, các hộ đã thống nhất cùng nhau thành lập Nông hội sản xuất cây ăn quả. Sắp tới, Nông hội sẽ tổ chức ra mắt để bà con cùng hợp tác với nhau làm ăn lớn”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Viết Chung cho hay.
Ngoài các trang trại trồng trọt, ở xã Pờ Tó hiện còn có nhiều trang trại chăn nuôi heo, bò quy mô lớn. Trong đó, có 5 trang trại bò quy mô trên 200 con và 13 trang trại heo, đặc biệt có 3 trang trại nuôi heo quy mô hơn 1.000 con/năm…
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đưa sản xuất nông nghiệp của Pờ Tó phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã trong 5 năm đạt 12,9%; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 11/19 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,46%.
Trong giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, xã Pờ Tó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; đến năm 2025 xây dựng thành công 5 làng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 5,5% trở lên.
…Đến mô hình liên kết của HTX
Nếu không thưởng thức những quả dứa giống Cayen to tròn, chín mọng, thơm ngọt tại HTX Nông nghiệp Tân Tiến thì khó lòng tin được giống dứa này lại có thể phát triển tại vùng đất xưa nay chỉ chuyên trồng mì và mía.
![]() |
HTX Nông nghiệp Tân Tiến dẫn đầu phong trào trồng dứa Cayen mang lại hiệu quả cao (Ảnh: TL) |
HTX Nông nghiệp Tân Tiến hiện có hơn 450ha đất canh tác, trong đó 70% diện tích trồng mía, còn lại chuyên trồng mì. Những năm vừa qua, cây mía và mì năng suất thấp, giá cả bấp bênh. Vì thế, sau khi tìm hiểu các mô hình trồng dứa ở nhiều nơi và được tập huấn, lại được huyện hỗ trợ một phần vốn ban đầu, 53 thành viên HTX đã thống nhất tham gia mô hình trồng dứa Cayen.
Đây là mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và UBND xã Pờ Tó triển khai thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, quy mô 4ha, tổng vốn đầu tư hơn 621 triệu đồng; trong đó nguồn ngân sách 260 triệu đồng, nguồn đối ứng của HTX hơn 361 triệu đồng. Từ khi trồng đến khi thu hoạch là 18 tháng.
Kết quả thử nghiệm lứa đầu tiên đã cho thấy tín hiệu đáng mừng. Dứa chín, HTX bán lẻ với mức giá trung bình 10.000 - 20.000 đồng/quả 1,5 - 3,5kg, được thị trường rất ưa chuộng. Theo tính toán ban đầu, với cam kết bao tiêu sản phẩm của CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là 3.500 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt hơn 38 triệu đồng/ha.
“Mô hình trồng dứa này rất mới nhưng qua quá trình chăm sóc, thu hoạch, chúng tôi thấy rất hài lòng. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng mô hình, đồng thời hướng dẫn thành viên áp dụng, làm theo”, cán bộ kỹ thuật HTX Nông nghiệp Tân Tiến chia sẻ.
Pờ Tó là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Ia Pa với hơn 5.800ha. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được xã xác định là một trong những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình trồng dứa Cayen bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người dân, dần phá thế độc canh cũ.
Đại diện UBND xã Pờ Tó bày tỏ mong muốn được huyện cũng như các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, đảm bảo về giá, đầu ra sản phẩm để bà con yên tâm phát triển giống cây trồng khác trên địa bàn xã, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Đức Nguyễn