Trong những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó cây sầu riêng được xác định là một trong những cây trồng chủ lực.
Chìa khóa nâng cao giá trị sầu riêng
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, Hậu Giang có tiềm năng lớn để phát triển cây sầu riêng chất lượng cao. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, việc tổ chức sản xuất một cách bài bản và khoa học là điều kiện tiên quyết. Đây chính là lúc mô hình HTX phát huy vai trò quan trọng của mình.
Việc phát triển sầu riêng thông qua HTX mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Các HTX tập hợp những người nông dân nhỏ lẻ, giúp họ có tiếng nói chung và sức mạnh tập thể trong mọi khâu từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đến nay, các HTX giúp nông dân áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác tiên tiến, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vì mỗi hộ tự bón phân, tự phun thuốc theo kinh nghiệm cá nhân, HTX sẽ hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vật tư nông nghiệp, từ đó giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất và chất lượng trái sầu riêng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP trở nên dễ dàng hơn khi có sự phối hợp tập thể, giúp sản phẩm sầu riêng Hậu Giang đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Áp dụng khoa học kỹ thuật giúp giá thành quả sầu riêng bán ra thị trường cao hơn. |
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc tham gia HTX là thúc đẩy vấn đề liên kết tiêu thụ. Thay vì tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm, thành viên trong HTX sẽ được hưởng lợi từ các hợp đồng bao tiêu lớn. HTX có đủ tư cách pháp lý và uy tín để đàm phán với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà xuất khẩu, đảm bảo giá cả ổn định và đầu ra bền vững cho sản phẩm. Điều này giúp nông dân tránh được tình trạng bị ép giá, phụ thuộc vào thương lái, giảm thiểu rủi ro thua lỗ do biến động thị trường.
Đi liền với đó, HTX là cầu nối giúp nông dân tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất trong trồng trọt. Từ việc chọn giống, kỹ thuật bón phân, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh hại đến việc thu hoạch và bảo quản, tất cả đều được cập nhật và phổ biến kịp thời thông qua các buổi tập huấn, hội thảo do HTX tổ chức. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn cải thiện chất lượng trái sầu riêng, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các HTX cũng có thể đứng ra vay vốn từ ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoặc các tổ chức tín dụng khác với lãi suất ưu đãi, sau đó phân bổ cho các thành viên. Điều này giúp nông dân có thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất, mở rộng diện tích hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất
Không thể phủ nhận những thành công trong việc phát triển sầu riêng bền vững thông qua HTX tại Hậu Giang có sự đóng góp không nhỏ từ Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang. Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển của các HTX trồng sầu riêng trên địa bàn.
Trong đó, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phối hợp với các ban ngành, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và thành viên các HTX trồng sầu riêng. Nội dung tập huấn rất đa dạng, từ kỹ năng quản trị HTX, kiến thức về kinh tế hợp tác, đến các kỹ thuật canh tác sầu riêng tiên tiến, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Những kiến thức này giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn pháp lý, giúp các HTX hoạt động đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh cũng là cầu nối giúp các HTX tìm kiếm thị trường, kết nối với các đối tác tiêu thụ tiềm năng. Các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu với doanh nghiệp đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho sầu riêng Hậu Giang vươn ra thị trường lớn hơn.
![]() |
Nhiều nông dân có thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng bền vững. |
Để nâng cao giá trị cho trái sầu riêng, việc xây dựng thương hiệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc là vô cùng cần thiết. Liên minh HTX tỉnh đã và đang hỗ trợ các HTX trong việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, xây dựng tem nhãn sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm mà còn khẳng định uy tín và chất lượng của sầu riêng Hậu Giang trên thị trường.
Không dừng lại ở đó, Liên minh HTX tỉnh là đơn vị trung gian, kết nối các HTX với các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương và địa phương. Từ việc tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đến việc đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, khoa học công nghệ, Liên minh HTX đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX trồng sầu riêng phát triển.
Tiêu biểu như Tổ hợp tác trồng sầu riêng ở xã Tân Thành, TP Ngã Bảy với 23 thành viên với 37ha canh tác sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ trái rụng và sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP. Thông qua sự kết nối và hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành, sầu riêng của Tổ hợp tác này đã được Liên hiệp HTX Trái cây Xuất khẩu Mekong bao tiêu với giá trị ước tính 52,5 tỷ đồng/năm. Mô hình này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Điểm sáng sản xuất sầu riêng bền vững
Từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đã có nhiều Tổ hợp tác, HTX trồng sầu riêng hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho thành viên và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp Chín Em Ba (xã Long Thạnh) đang tập trung sản xuất kinh doanh trái sầu riêng. Theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động HTX có bước chuyển biến mạnh mẽ nhất là liên kết liên doanh với các doanh nghiệp, các nhà khoa học. Nhờ đó, các hộ nông dân tham gia HTX hoạt động có hiệu quả, đảm bảo năng suất ổn định và lợi nhuận cao hơn các hộ sản xuất ngoài.
Cụ thể là HTX đã tiên phong trong việc áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng một cách khoa học. Nhờ đó, sầu riêng của HTX luôn đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận và có giá bán ổn định. Các thành viên trong HTX được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Một ví dụ khác là HTX Đông An 2 (xã Tân Thành, huyện Ngã Bảy) cũng chuyên trồng sầu riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên. HTX hiện có 24 thành viên với diện tích 37ha sầu riêng, sản lượng trung bình đạt 20 tấn/ha.
Điều đáng nói là để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã chú trọng đầu tư sản xuất theo quy trình Global GAP và cũng được công nhận mô hình đầu tiên đạt chứng Global GAP đối với sầu riêng trên địa bàn huyện Ngã Bảy, với 9 hộ thành viên có diện tích 13,2 ha sản xuất theo tiêu chuẩn này. Theo đánh giá của các thành viên, với giá bán từ 70.000- 150.000 đồng/kg (tùy thời điểm), sầu riêng bảo đảm tiêu chuẩn Global GAP cho giá trị kinh tế khá cao cho người trồng.
Hay HTX Trái cây Sinh học OCOP (Ngã Bảy), ngoài trồng các loại trái cây khác thì các thành viên cũng thực hiện triển khai xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. HTX cũng áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến như hệ thống tưới tiết kiệm và kỹ thuật ủ phân hữu cơ, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và thu nhập cao cho người dân. Điều quan trọng là HTX Trái cây Sinh học OCOP rất chủ động trong việc liên kết tìm đầu ra nên việc tiêu thụ sầu riêng cho thành viên, người dân không mấy khó khăn.
Những câu chuyện thành công của các HTX này là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông dân đã liên kết lại, tạo thành những chuỗi giá trị bền vững, nâng tầm thương hiệu sầu riêng Hậu Giang.
Theo thống kê, trồng sầu riêng theo quy trình khoa học, an toàn và có liên kết đầu ra bền chặt giúp người dân có thu nhập ổn định thậm chí rất cao. Đặc biệt, nhiều mô hình HTX, THT nhờ áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến và sản xuất sầu riêng hữu cơ đã giúp thành viên trong HTX có thu nhập cao, với mức thu nhập trung bình khoảng 80 triệu đồng/người/năm.
Trong khi theo tính toán của ngành chức năng, cây sầu riêng có tuổi thọ cao (25-30 năm) và cho thu nhập ổn định trong nhiều năm, từ năm thứ 5 trở đi. Lợi nhuận từ năm thứ 6 trở đi có thể trên 10 triệu đồng/cây/năm, tổng lợi nhuận có thể đạt hơn 1,5 tỷ đồng/ha/năm nếu thực hiện liên kết tiêu thụ bền vững.
Những mô hình trồng sầu riêng bền vững đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống và thúc đẩy giảm nghèo ở Hậu Giang. Theo thống kê, nếu như đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 6.600 hộ nghèo, chiếm gần 3,3% tổng số hộ thì đến cuối năm số hộ nghèo đã giảm xuống còn hơn 2.960 hộ, chỉ chiếm 1,48%.
Rất nhiều mô hình trồng và sản xuất sầu riêng đang tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như HTX Thuận Hòa Phát, thành lập năm 2020 ở huyện Phụng Hiệp đang tạo việc làm và thu nhập cho 30 thành viên và 35 lao động nhờ tập trung sản xuất, kinh doanh cây giống sầu riêng, cung ứng sản phẩm trái sầu riêng và các loại trái cây khác.
Tùng Lâm