HTX Ân Tín bắt đầu làm lúa theo chuẩn hữu cơ từ đầu năm 2019. Khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất này là từng bước nâng cao năng suất, chất lượng từ việc loại bỏ phân bón hóa học.
Hiệu quả kinh tế
Vụ đầu thử nghiệm trên 1 ha, do chi phí vật tư và công lao động cao, HTX lỗ 24 triệu đồng. Sang vụ Đông Xuân 2019 - 2020, HTX tiến hành sản xuất 2,6 ha lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Vạn Hội 1, gồm các giống lúa chất lượng cao và kháng bệnh tốt như: ĐT8, BĐR17, ANS1. Vì đã rút ra kinh nghiệm, người dân bắt đầu thích nghi quy trình sản xuất nên so với mùa đầu, chi phí đã giảm, sản lượng lúa tăng hơn 6 tạ/ha, doanh thu mang lại hơn 125 triệu đồng, lãi gần 25 triệu đồng. Tuy mức lãi này chưa phải là cao nhưng đã chứng tỏ sự thành công của HTX khi lựa chọn hướng sản xuất hữu cơ.
Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Ân Tín, cho biết: HTX sử dụng hoàn toàn bằng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh làm từ mụn dừa vì đây là nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Quá trình sử dụng phân bón cũng được bảo đảm theo đúng quy trình kỹ thuật và dùng các chế phẩm sinh học của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN.
![]() |
Trồng lúa hữu cơ giúp người dân giảm chi phí sản xuất (Ảnh: TL) |
Đặc biệt, HTX tuyệt đối không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Kèm theo đó là chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa qua từng thời kỳ. Nhờ làm đất kỹ, tơi xốp, phục hồi dinh dưỡng tốt nên HTX dần cắt giảm được chi phí sản xuất, năng suất lúa ổn định, lợi nhuận vì thế cũng dần tăng.
Thực tế, khi chưa đến thời điểm thu hoạch, diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kèm theo gió nhưng lúa vẫn đứng vững. Điều đó cho thấy, cây lúa được bổ sung các loại phân hữu cơ giúp cây chắc khỏe. Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn, trong thời kỳ trổ bông, diện tích sản xuất ít nhiễm rầy, khô vằn; lúa lại cho bông dài, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, bộ rễ nhiều bám sâu vào đất không bị đỗ ngã khi gặp mưa giông. “Nếu làm lúa bằng phân bón, thuốc hóa học trên những chân ruộng này chắc chắn khi gặp gió bão, lúa đổ ngã nằm sát đất rồi”, anh Nguyễn Văn Xuân, thành viên tham gia trồng lúa hữu cơ, cho biết.
Lợi ích môi trường
Lúc đầu tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, người dân rất e dè, vì không biết hiệu quả ra sao, trong khi đầu ra cho sản phẩm chưa được đảm bảo. Tuy nhiên, qua các lớp tập huấn kỹ thuật và thực tế, mọi người nhận thấy canh tác lúa theo hướng hữu cơ, trước mắt là công chăm sóc nhẹ, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao; cây lúa ít bệnh, lại cho sản phẩm lúa gạo an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đất đai được cải tạo tốt hơn, tăng độ phì nhiêu.
Giám đốc HTX Bùi Long Xuân cho biết nhờ việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sử dụng phân hữu cơ từ mụn dừa kết hợp với phân chuồng được ủ bằng chế phẩm nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, nhiều loài cá, ốc, cua đồng đã xuất hiện trở lại trên ruộng lúa.
![]() |
Nhiều loài cá, ốc, cua đồng đã xuất hiện trở lại trên ruộng lúa nhờ phương pháp sản xuất hữu cơ (Ảnh: TL) |
Các hộ dân cũng phấn khởi và tự xin tham gia canh tác lúa hướng hữu cơ. Điều đáng vui mừng là giờ đây trên các bờ ruộng không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước nữa.
Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thổ nhưỡng, hệ sinh thái đồng ruộng. Thế mạnh của mô hình sản xuất này là giúp cải tạo độ màu mỡ của đất, chất lượng đảm bảo, gạo thơm ngon nên giá cao, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.
Theo đánh giá của UBND xã, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ dưới sự dẫn dắt của HTX Nông nghiệp Ân Tín đã nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Như Yến