Từ khi triển khai chương trình NTM tại TP.HCM, đến nay khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã và đang dần thu hẹp sau mỗi năm.
![]() |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu tham quan thành tựu xây dựng NTM |
Những thành quả vượt bậc
Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP.HCM hồi năm 2008 là 15,72 triệu đồng thì đến năm 2019 đã là 63,096 triệu đồng. Hiện có 56 xã xây dựng NTM đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng NTM.
Chuẩn nghèo ở TP.HCM được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2010, hộ nghèo tại 5 huyện còn 42.045/291.686 hộ, chiếm 14,4%. Tính đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ dưới 1 triệu đồng/người/năm trở xuống là 1.777 hộ, chiếm 0,40% trong tổng hộ dân 5 huyện.
Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện: Năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng, năm 2014 đạt 64,7 triệu đồng, năm 2018 đạt 90 triệu đồng/người. Năng suất lao động năm 2018 so với năm 2008 tăng 206%.
Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuyển dịch sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chính sách hỗ trợ lãi vay sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của Thành phố.
Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900 ha/năm và số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân cũng giảm 6,38%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của TP.HCM vẫn tăng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha hồi năm 2010 đã tăng lên 502 triệu đồng/ha vào năm 2018, tức là tăng hơn 3 lần sau 10 năm.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP.HCM đã có 54/56 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí của Thành phố; bình quân đạt 18,9 tiêu chí/xã và có 3/5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Trong phong trào “Thành phố chung sức xây dựng NTM” đã huy động được 26.000 hộ dân hiến 2,9 triệu m2 đất để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, ước tính giá trị trên 2.243 tỷ đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.
![]() |
TP.HCM chuyển nhanh NTM sang đô thị văn minh |
Hướng tới mục tiêu mới
Theo dự báo, đến năm 2035 Thành phố chỉ còn 38.000 lao động. Trong đó, dự báo đến năm 2030, số hộ làm nông nghiệp tại huyện Củ Chi chỉ còn 4%, huyện Hóc Môn còn 0,1%, huyện Bình Chánh còn 0,4%, huyện Nhà Bè còn 0,5%. Riêng huyện Cần Giờ giữ được thế mạnh nông nghiệp vì có khu dự trữ sinh quyển, đất lâm nghiệp và diện tích thủy sản lớn; tuy nhiên, số hộ sản xuất nông nghiệp cũng giảm dần, dự báo giảm từ 34% của năm 2019 xuống còn 12% năm 2030.
Trước những thách thức đó, trong quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2020-2025 Thành phố sẽ hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị có năng suất, chất lượng cao, chuyển từ NTM sang đô thị văn minh.
Theo đó, Thành phố tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; rút ngắn khoảng cách hơn nữa về mức sống giữa nội thành và ngoại thành. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, chú trọng phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái; phát triển mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với du lịch, tuyến điểm dừng chân của du khách. Triển khai và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, đề án phát triển nông nghiệp trọng điểm. Riêng Cần Giờ cần giữ truyền thống phát triển nông nghiệp, trồng rừng nhiều hơn để giữ lá phổi xanh cho TP.HCM.
Ngọc Giang