Có thể nói, những năm qua, HTX Thượng Phong không ngừng lớn mạnh, trở thành lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh Quảng Bình, góp phần quan trọng cùng với chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả của liên kết
Vốn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, những người dân ở xã Phong Thủy luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra. Về đầu vào, bà con phải mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Trong khi đó, giá cả đầu ra cũng lúc lên cao, lúc xuống thấp và thường bị tư thương ép giá…
![]() |
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình |
Đó là những lý do để một số người dân tập hợp lại thành lập HTX Thượng Phong do ông Võ Văn Khinh làm Giám đốc. “HTX liên kết tạo đầu ra ổn định, tự sản xuất giống tốt, phục vụ người dân bất cứ lúc nào cần. HTX cũng có trạm vật tư, thậm chí còn trợ giá cho các thành viên”, ông Khinh cho biết.
Xã Phong Thủy là “rốn lũ” của huyện Lệ Thủy, có những vụ, nhiều nông dân xót lòng khi nhìn cánh đồng xác xơ bị cát sỏi bồi lấp, giống má, phân tro vừa bị dòng lũ dữ cuốn trôi. Chưa hết, khi bắt tay vào vụ, bà con lại phải đối mặt với nhiều đợt rét đậm rét hại kéo dài làm hàng chục ha lúa bị chết rét phải gieo lại…
Đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 gây thiệt hại rất lớn đối với vụ đông xuân của HTX Thượng Phong. Phần lớn các công trình thủy lợi hư hại, lượng giống lúa trong dân cũng bị ướt hỏng, thiếu nguồn lực cho sản xuất.
Khó khăn là vậy, nhưng cây lúa của HTX vẫn sinh trưởng tốt, trĩu bông, hạt tròn, mẩy và chắc, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha nhờ sử dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI trên giống lúa chất lượng cao.
Tham gia vào mô hình, các thành viên được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến thay phương pháp canh tác truyền thống. Ưu điểm của sản xuất lúa theo phương pháp SRI là giảm lượng giống gieo, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và nhân công, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng một diện tích.
Cụ thể, HTX đã chủ động tiếp cận, sử dụng bộ giống chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà như: Xi 23, P6, TBR 225... Đây là 3 loại giống phù hợp với chân đất và kháng bệnh, được các thành viên HTX Thượng Phong tin dùng.
Trên cánh đồng mẫu lớn, năm nay được mùa lớn, và các thành viên càng phấn khởi hơn khi giá lúa đầu vụ cũng khá cao. Hiện, giá lúa tươi sau gặt xong bán tại ruộng khoảng 6.000 đồng/kg, lúa thành phẩm 7.000-7.500 đồng/kg, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước.
Vụ hè thu 2021, không khí tất bật cho vụ gieo trồng mới bắt đầu. Vào vụ mới, HTX Thượng Phong gieo trồng trên diện tích 250ha đất nông nghiệp. Những ngày mát mẻ này, HTX đã huy động máy móc cơ giới để thực hiện các khâu làm đất, thủy lợi, gieo trồng… để kịp thời gian mùa vụ.
Xây dựng thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”
Để sản phẩm nông nghiệp khẳng định về chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng, HTX Thượng Phong đã liên kết với 2 HTX khác hoạt động trên địa bàn huyện Lệ Thủy để sản xuất lúa gạo thương hiệu “Gạo Lệ Thủy” với mong muốn khi có thương hiệu sẽ thu hút được các công ty, doanh nghiệp vào liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân.
![]() |
Thương hiệu “Gạo Lệ Thủy” được thị trường đón nhận |
Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với Công ty giống Quảng Bình để sản xuất 60ha lúa giống, cung cấp cho Công ty 300 tấn mỗi năm. Ngoài ra, HTX liên kết với Công ty thương mại Thành Châu để tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.
Theo ông Võ Văn Khinh, quy trình sản xuất gạo sạch rất khắt khe, sau khi lúa nguyên liệu phơi khô, đưa vào kho dự trữ bảo đảm đạt chuẩn. Kho lúa nguyên liệu được xây dựng cách nhiệt nên ít bị ảnh hưởng của tác động thời tiết bên ngoài, thoáng khí, có hệ thống ống thông đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúa nguyên liệu từ kho lưu trữ chuyển sang hệ thống dây chuyền xay xát liên hoàn để chế biến, đóng gói đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được chuyển đến kho bảo quản, xếp lên các kệ, đánh số lô sản phẩm để dễ dàng kiểm tra và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đến thời điểm này, HTX Thượng Phong là HTX đi đầu trong canh tác lúa cải tiến, diện tích đất sản xuất rộng lớn và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, hiện thực hóa chuỗi sản xuất lúa gạo sạch an toàn với quy trình sản xuất được kiểm soát, kiểm định chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, giống, chăm sóc, thu hoạch, lưu trữ, chế biến.
Theo đánh giá của lãnh đạo HTX Thượng Phong, cánh đồng lớn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của "4 nhà", giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp. Hơn nữa, lợi nhuận mang lại từ mô hình cánh đồng lớn cao hơn so với trước đây từ 12 - 18%.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, hầu hết các lĩnh vực hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đều đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là nổi bật nhất với 235 HTX, 67.240 thành viên, 2.772 lao động, số vốn hoạt động 506.163 triệu đồng. Đa số HTX phát huy tốt vai trò sản xuất, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đáp ứng các khâu cơ bản của dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tham gia dồn điền đổi thửa, hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất theo quy hoạch.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất HTX, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình sẽ rà soát lại số lượng HTX trong toàn tỉnh để đề xuất giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn của HTX. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế chính sách và nguồn lực, đặc biệt quan tâm các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, các HTX nông nghiệp sạch... Qua đó, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và dịch vụ hỗ trợ sản xuất của kinh tế hộ.
Tô Thương