Theo thống kê, toàn huyện Trà Ôn hiện có khoảng 20 HTX với tổng số gần 500 thành viên, thu hút trên 800 lao động, tổng số vốn đăng ký đạt xấp xỉ 9 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đạt 147 triệu đồng/HTX, thu nhập trung bình của người lao động đạt 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Các HTX là nhân tố quan trọng trong xoá đói giảm nghèo ở Trà Ôn (Ảnh TL) |
Điểm tựa làm giàu
Chỉ sau gần 3 năm đi vào hoạt động, sức sáng tạo trong sản xuất đang giúp HTX Nông nghiệp cam sành Organics Trà Ôn (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) phát triển vững mạnh, trở thành điểm tựa phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của các thành viên.
Hiện, HTX đã hình thành 2 vùng nguyên liệu cam sành trên địa bàn huyện Trà Ôn với tổng diện tích gần 55ha. 100% diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường ổn định với giá bán cao cho thành viên, hộ liên kết.
Sở hữu gần 30.000 m2 với hơn 12.000 gốc cam sành, anh Huỳnh Văn Chánh - hộ liên kết của HTX, chia sẻ: “Với thị trường ổn định, giá bán cao, mỗi năm gia đình tôi thu về trên dưới 800 triệu đồng. Vườn cam của tôi cũng đang tạo việc làm cho 8 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, những lúc cao điểm có thể có hơn 20 người làm việc tại vườn”.
Theo anh Chánh, điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Trà Ôn không thực sự phù hợp với cây cam sành, nhưng nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật cùng sự đồng hành của HTX, người dân nơi đây đã “thuần hóa” được cam và làm giàu bằng loại cây này.
Cam sành ở Trà Ôn có năng suất bình quân 5,5 - 7 tấn quả/1.000m2/năm. Với giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg (quả nghịch vụ), ước tính một năm người trồng cam sành có thể thu về lợi nhuận 30 - 35 triệu đồng/1.000m2.
![]() |
Sự quan tâm của địa phương là cơ sở để HTX vươn lên, phát huy vai trò dẫn dắt người dân nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh TL) |
Mở rộng sức ảnh hưởng
Một HTX khác cũng được nhiều người nhắc tới ở Trà Ôn là HTX nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới), đây là một điểm sáng khác trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Phó Giám đốc HTX Thuận Thới, ông Nguyễn Văn Thảo cho hay HTX được thành lập vào năm 2018, xuất phát điểm với 15 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi bò kết hợp với nuôi trùn quế, tổng diện tích trang trại rộng trên 21 ha.
Nhờ chăn nuôi khoa học, hiện thành viên HTX đang có mức thu nhập bình quân 70 – 90 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, HTX còn tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có nguồn thu thông qua việc thu mua phân bò, bao tiêu phân trùn quế và trùn quế thương phẩm.
Hay như HTX nông nghiệp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp) cũng đang có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân địa phương.
Hiện, HTX đang có trên 100ha đất sản xuất với 135 thành viên, không chỉ “bán lúa số lượng lớn, đồng loạt cân lúa tới người cuối cùng với giá ổn định, mà HTX tổ chức lịch xuống giống, thu hoạch cụ thể, gắn kết các doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa của thành viên.
Thực tế, thời gian qua việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX đang được huyện Trà Ôn dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nhằm tạo nên những điểm tựa để nông dân tại các địa phương vươn lên làm giàu bền vững. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều mô hình điểm ra đời.
Bên cạnh gần 20 HTX đang hoạt động hiệu quả, toàn huyện cũng đang có 90 tổ hợp tác, trong đó có 81 nông nghiệp và 9 phi nông nghiệp, với tổng số 1.687 thành viên, thu hút 3.315 lao động tham gia sản xuất trên diện tích 1.200ha.
Những kết quả thực tế cho thấy, khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Trà Ôn đang có những bước tiến mạnh. Không chỉ nâng cao lợi ích cho thành viên, các HTX đang nâng cao uy tín, thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chú ý của các đối tác.
Rõ ràng, trong xu thế phát triển, các HTX, tổ hợp tác đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Vì vậy, chủ trương đẩy mạnh phát huy hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác trong thời gian qua tại Trà Ôn là hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục được nhân rộng.
Hưng Nguyên