Trước đây, các HTX nông nghiệp ở Đồng Nai chủ yếu hoạt động theo mô hình truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nông nghiệp hiện đại đã mở ra cơ hội để các HTX tái cấu trúc, thay đổi phương thức canh tác, từ đó chuyển mình mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Mạnh dạn đầu tư
Tính đến năm 2024, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 260 HTX đang hoạt động, trong đó gần 70% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ngày càng nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động, canh tác hữu cơ, quản lý sản xuất bằng phần mềm, sử dụng chế phẩm sinh học, blockchain truy xuất nguồn gốc... Những đổi mới này không chỉ giúp sản phẩm đạt chất lượng cao mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Một ví dụ điển hình là HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Tâm Minh Quang tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Được thành lập năm 2019 và với diện tích lớn – khoảng 35 ha, trong đó 15 ha đạt chứng nhận hữu cơ, HTX Tâm Minh Quang đã chủ động đầu tư vào công nghệ cao, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín.
Vườn rau, cây ăn trái, dưa hấu, chuối, nấm… được trồng theo chuẩn hữu cơ với hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt, sử dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ IMO, vốn được tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp. HTX cũng thiết lập kho lạnh, máy sấy, máy nghiền nhằm bảo quản và chế biến sâu nông sản, từ đó tăng giá trị cho sản phẩm như kẹo chuối, bánh tráng chuối…
![]() |
Nông nghiệp công nghệ cao nâng thu nhập cho người dân. |
Việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao giúp HTX sản xuất hàng trăm tấn nông sản mỗi năm, với chất lượng an toàn, sạch, có thể truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm của HTX đạt chuẩn hữu cơ được bán với giá cao hơn thị trường thông thường, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu – đặc biệt sản phẩm trái cây, rau củ sạch.
Đến nay, HTX hỗ trợ kỹ thuật trồng và xử lý hữu cơ cho nông dân lân cận, đồng thời tạo thêm việc làm trong khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, từ đó giúp nhiều hộ thoát nghèo nhờ mô hình nông nghiệp xanh.
Sự thành công của HTX có đóng góp lớn từ chính sách hỗ trợ. Trong đó, chính quyền huyện và tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật về canh tác hữu cơ, quy trình tuần hoàn, xử lý rác hữu cơ, nước thải, công nghệ bảo quản cho các thành viên. Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ hướng dẫn HTX về quản trị, tiếp cận vốn ưu đãi chương trình OCOP, kết nối thương mại, tạo điều kiện để HTX phát triển chuỗi giá trị bền vững (trang trại – doanh nghiệp – người tiêu dùng).
Còn tại huyện Xuân Lộc, mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nhiều HTX và nông hộ. Một trong những điển hình là HTX rau sạch Trường An. Từ 10 năm về trước, các thành viên HTX đã chủ động đầu tư hệ thống nhà kính phục vụ sản xuất. Dù chi phí ban đầu tương đối lớn, song hiệu quả đem lại là rất khả quan. Việc kiểm soát tốt điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng giúp HTX duy trì sản xuất quanh năm, giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan, đồng thời tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Theo tính toán của những hộ trồng rau, việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp họ tăng năng suất từ 1,5 đến 2 lần, giảm chi phí đầu vào khoảng 30%, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động. Quan trọng hơn, thu nhập bình quân của thành viên đạt trên 8 triệu đồng/tháng, nhiều hộ gia đình từng thuộc diện hộ nghèo nay đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Thêm "đôi cánh" cho HTX ứng dụng công nghệ
Sự phát triển mạnh mẽ của các HTX nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai không thể tách rời sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam. Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ vay vốn, kết nối thị trường và tư vấn pháp lý, các HTX được tiếp cận nguồn lực và kiến thức cần thiết để đổi mới và phát triển.
Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã chủ trì phối hợp với ngành nông nghiệp, Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ số, marketing nông sản, phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, cơ quan này cũng đóng vai trò cầu nối giúp các HTX ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp đầu mối, từ đó hình thành chuỗi cung ứng khép kín.
![]() |
Các HTX nông nghiệp công nghệ cao được khuyến khích phát triển. |
Một trong những mô hình nhận được sự hỗ trợ là HTX Nông nghiệp Hữu cơ Long Khánh trong việc thanh toán kinh phí thực hiện tư vấn Xây dựng Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn xã Bình Lộc. HTX môi trường Trúc Anh được kết nối để ký kết hợp đồng làm thảm cỏ xanh vỉa hè đường CMT8, đường Hùng Vương và chăm sóc cây xanh công viên trên địa bàn thành phố…
Liên minh HTX tỉnh cũng xác định HTX nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi trọng tâm, lâu dài nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đồng thời giúp người dân gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, HTX là công cụ hiệu quả trong giảm nghèo đa chiều khi giúp bà con nông dân có việc làm, được đào tạo kỹ năng và tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định.
Chính vì vậy, thời gian qua, các Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cũng đang chủ yếu cho các HTX, tổ hợp tác, nông dân vay ngắn hạn, trung hạn, huy động vốn tại chỗ để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh với mục tiêu tương trợ, bảo toàn và phát triển mô hình kinh tế tập thể theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao với thủ tục cho vay gọn nhẹ.
Tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo thực chất
Không dừng lại ở việc phát triển sản xuất, các HTX ở Đồng Nai còn chú trọng đến tạo sinh kế lâu dài và bền vững cho thành viên và lao động địa phương. Thống kê cho thấy, các HTX nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 5.000 lao động, trong đó có hơn 60% là phụ nữ và người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Đơn cử như HTX nuôi trồng nấm Xuân Lộc, nơi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm bào ngư và nấm linh chi hữu cơ. Nhờ được hỗ trợ máy móc, nhà trồng lạnh và hệ thống tưới tự động, HTX không chỉ tăng năng suất mà còn chủ động về chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, HTX đã tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng/tháng. Một số thành viên từng thuộc hộ nghèo nay đã có tích lũy, đầu tư mở rộng nhà trồng nấm riêng, quay lại làm đối tác cung cấp nguyên liệu cho HTX.
Những câu chuyện thành công kể trên đang ngày càng lan tỏa, khẳng định vai trò to lớn của mô hình kinh tế tập thể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và giảm nghèo hiệu quả. Không chỉ cải thiện thu nhập, các HTX còn góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất sạch, tiêu dùng an toàn và gìn giữ môi trường sinh thái.
Với những thành quả đã đạt được, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 50% HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình công nghệ cao, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ phát triển. Trong đó, trọng tâm là ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT) để tối ưu hóa sản xuất và phân phối.
Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các HTX thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ nông sản trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam như Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, chương trình OCOP và chuyển đổi số trong HTX sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng.
Tùng Lâm