Toàn huyện Phú Thiện hiện có 1 Liên hiệp HTX tinh dầu Bạc Hà và 20 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tổng số thành viên là 520 người; tổng vốn đăng ký hơn 24,1 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của các HTX là dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nội đồng, vật tư nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận tải hành khách, hàng hóa...
Phát huy vai trò của HTX
Từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đều phát huy được chức năng, nhiệm vụ, hướng tới sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, các HTX đã kịp thời hỗ trợ thành viên giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và là nơi tiếp nhận, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
![]() |
Các HTX đóng vai trò cầu nối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM |
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống gắn với xây dựng thương hiệu gạo, huyện áp dụng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có gắn kết với các doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Trong đó, các HTX đóng vai trò cầu nối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để vận động, tập hợp, hướng dẫn và tổ chức cho người dân đi vào sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và ổn định thu nhập, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Điển hình trong số này có HTX Nông nghiệp Chư A Thai với hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo cho nông dân. Đây là mô hình điểm của tỉnh về xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012.
“HTX đã liên kết với một số địa phương trong huyện hình thành 3 cánh đồng lớn một giống sản xuất lúa chất lượng cao. Mỗi năm, HTX cung ứng cho nông dân hàng trăm tấn phân bón, lúa giống đảm bảo chất lượng, giá thấp hơn thị trường và thu mua 100 - 300 tấn lúa cho bà con trong huyện. Giá thu mua lúa của HTX luôn cao hơn thị trường 200 - 300 đồng/kg”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Phạm Ngọc Nghĩa cho biết.
Trong năm 2019, HTX đã cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống... cho gần 400 hộ dân, trong đó có hơn 100 thành viên của HTX. Tùy vào loại cây trồng, HTX sẽ có hình thức cung ứng vật tư nông nghiệp phù hợp. Với cây mì, HTX cung ứng theo hình thức sau khi trồng được 5 tháng, hội viên, nông dân thanh toán 50% số tiền; 50% còn lại đến khi thu hoạch xong sẽ thanh toán hết. Riêng cây lúa, thời gian gieo trồng, thu hoạch ngắn nên HTX cung ứng 100% và cuối vụ hội viên, nông dân mới hoàn trả tiền.
“Việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho hội viên đều có hợp đồng rõ ràng. Do đó, đến nay, trên địa bàn không có tình trạng nợ xấu. Việc cung ứng vật tư nông nghiệp giúp người dân gieo trồng kịp thời vụ, tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen”, ông Nghĩa chia sẻ.
Hoặc như HTX Cá giống Ia Peng (xã Ia Peng) đang dần khẳng định là đơn vị cung cấp cá giống nước ngọt uy tín hàng đầu khu vực Tây Nguyên. “HTX có 30 thành viên, quản lý 15ha ao hồ nuôi cá giống nước ngọt. HTX mua cá bột về ươm ra cá hương rồi giao cho các thành viên nuôi thành cá giống, sau đó thu mua lại toàn bộ cá giống để bán cho các đại lý. Thị trường cá giống đang rộng mở, HTX mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của các đại lý. Hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường 40 tấn cá giống và 5 tấn cá thịt, bán cho 30 đại lý ở khắp Tây Nguyên và Bình Định, Phú Yên. Các thành viên mỗi năm nuôi 5 lứa cá giống, thu lợi nhuận 300 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần trồng lúa”, Giám đốc Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Coi trọng tiêu chí sản xuất
Sau 12 năm thành lập, diện mạo nông thôn ở huyện Phú Thiện đã không ngừng khởi sắc nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, huyện có 6/9 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII) và có 13 làng đạt chuẩn NTM.
![]() |
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn chặt với chương trình xây dựng NTM (Ảnh: TL) |
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM thực sự làm thay đổi sản xuất và bộ mặt nông thôn Phú Thiện, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 25,16% (năm 2015) xuống còn 5,16% (cuối năm 2019).
Trong 5 năm qua, huyện Phú Thiện đã chú trọng triển khai nhiều đề án, nghị quyết, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình thực hiện cụ thể. Huyện đã huy động hơn 2.738 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách trung ương 161,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 165 tỷ đồng, vốn tín dụng, doanh nghiệp hơn 2.396 tỷ đồng, vốn cộng đồng dân cư quy đổi hơn 15 tỷ đồng.
Chương trình xây dựng NTM đã có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân tích cực tham gia với vai trò chủ thể thực hiện các hạng mục và trực tiếp thụ hưởng. Nhân dân trong huyện đã hiến 150.998m2 đất và đóng góp 496.876 ngày công để xây dựng NTM...
Cùng với đó, huyện tập trung chuyển đổi 1.274ha đất sản xuất kém hiệu quả, thiếu nước tưới hoặc trên những diện tích lúa nước 2 vụ có thể luân canh, xen canh hoặc tăng 1 vụ màu sang rau màu; chuyển diện tích đất rẫy trồng mía và mì sang trồng cây ăn quả, cây điều... Đến nay, nhiều diện tích cây trồng chuyển đổi cho hiệu quả cao.
Huyện cũng đặc biệt quan tâm thực hiện cơ giới hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trong đó, 90% các khâu sản xuất từ làm đất đến thu hoạch đều đã được cơ giới hóa. Đối với một số cây trồng cạn như: khoai lang, mía, rau, đậu thì đã sử dụng hệ thống tưới béc, tưới nhỏ giọt và tưới tràn với tổng diện tích trên 1.110ha, tương ứng khoảng hơn 40% diện tích cây trồng. Đường ra khu sản xuất, hệ thống kênh mương nội đồng đã được đầu tư tương đối đồng bộ.
Với ngành chăn nuôi, huyện chủ trương hỗ trợ để chuyển dần sang trang trại quy mô lớn, giảm dần chăn nuôi hộ gia đình. Toàn huyện đã có 5 trang trại quy mô lớn với 7.000 con heo, 10 trang trại chăn nuôi bò quy mô trung bình và hiện có 6 trang trại đang làm thủ tục để đầu tư chăn nuôi heo với quy mô 60.000 con. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được chú trọng với 370ha mặt nước; diện tích thâm canh cao ngày càng tăng, chiếm 30 - 40%, tổng sản lượng thu hàng năm đạt bình quân 860 tấn…
Đức Nguyễn