Ông Hồ Vũ Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh, cho biết Trà Linh là địa phương nằm treo leo trên sườn núi Ngọc Linh. Khi đến đây, ai cũng dễ thấy hình ảnh cây rừng giăng ngút tầm mắt vì những năm qua, người dân luôn biết giữ rừng để trồng sâm.
Ở một số địa phương khác bây giờ hầu hết rừng đã biến thành đất trống, đồi trọc, thành nương rẫy của người miền xuôi lẫn người miền ngược.
Trồng sâm dưới tán rừng
Sâm Ngọc Linh là loài thực sinh mỏng manh, bởi mỗi năm cây chỉ mọc một cành lá vào mùa xuân. Đến cuối hạ đầu thu, lá cây lại lụi tàn, ngủ đông mãi đến đầu xuân sau mới nhú mầm.
Củ sâm thực chất là đốt của cây sâm Ngọc Linh. Mỗi cây sâm chỉ ra một đốt, thân nằm trên mặt đất được lá rừng rụng xuống phủ kín nên gọi là củ.
Trước đây, người dân xã Trà Linh chỉ trồng sâm nhỏ lẻ hoặc khai thác tự nhiên. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh, Liên minh HTX Việt Nam đã kết hợp với UBND xã Trà Linh thành lập HTX Sâm Ngọc Linh, nhằm tổ chức người dân sản xuất sâm hàng hóa theo hướng bền vững.
Hiện nay, HTX vừa triển khai dịch vụ cung ứng giống nguyên chủng vừa phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn giống sâm giả, bảo tồn nguồn gen, giữ thương hiệu “Sâm Ngọc Linh”.
Thời gian đầu, các thành viên HTX đã phải đi vào rừng lấy sâm về trồng, mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần. Củ sâm được chặt khúc, ươm trồng dưới tán rừng nguyên sinh có đất mùn dày 40 cm. Tuy nhiên, cách làm này tỷ lệ sống không cao.
Vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm và tìm hiểu nhiều cách nhân giống khác, HTX đã phải lấy cây con đem về trồng kết hợp lấy hạt về gieo, cuối cùng vườn sâm hình thành. Từ khi ươm hạt đến lúc đưa ra luống trồng phải mất khoảng 3 năm cây sâm mới bắt đầu cho quả.
Cây sâm Ngọc Linh càng để lâu năm, quả cho càng nhiều, giá trị dinh dưỡng càng cao. Bình quân 1 ha sâm Ngọc Linh trồng 5 năm sẽ thu lời khoảng 40 tỷ đồng. Nhờ trồng sâm, không ít thành viên HTX đã trở thành tỷ phú, mua được xe, xây được nhà.
![]() |
Hội chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hàng tháng tại huyện Nam Trà My |
Muốn trồng sâm phải bảo vệ rừng
Để có tiền tỷ là điều không hề dễ dàng. Các thành viên quanh năm phải bám trụ ở đỉnh núi mây mù bao phủ, ẩm ướt, giá lạnh. Đêm đến, mọi người phải thay nhau tuần tra để đuổi chuột chuyên ăn sâm hay đuổi chồn bay phá hoại.
HTX cũng phải khảo sát nhiều lần, tìm vùng đất thích hợp với cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, HTX thành lập các tổ, phân công công việc cụ thể cho từng người để phát triển vùng trồng sâm hiệu quả.
Sâm Ngọc Linh là loài cây mỏng manh, không chịu được ánh nắng mặt trời nên phải chọn những cánh rừng có độ che phủ lớn, độ ẩm cao để sinh trưởng. Công tác bảo vệ rừng vì vậy cũng được quan tâm hàng đầu.
Ngoài việc bảo vệ vùng canh tác, HTX còn yêu cầu thành viên rào giậu vùng đệm cách đó cả cây số tránh để người dân chặt cây, phát nương làm rẫy khiến độ ẩm rừng thay đổi.
Việc chống cây gẫy đổ cũng được các thành viên quan tâm thường xuyên bằng cách phát quang các loài dây leo, không để cây tích nước trĩu nặng gẫy cành ngọn.
Người trồng sâm sợ nhất là mưa bão khiến sạt lở đất, cây rừng gãy đổ. Chỉ cần một khoảng trời lọt xuống, HTX phải dùng lưới chắn nắng, hạn chế tối đa ánh sáng mặt trời chiếu vào thân cây sâm.
Đổi lại sự vất vả đó là diện tích sâm ngày một lớn dần. Mùa hè nắng nóng nhưng khí hậu ở đây vô cùng trong lành. Việc phát nương làm rẫy đã được hạn chế. Người dân cũng ý thức cao về việc bảo vệ rừng vì sợ mất rừng là mất sâm. Đây chính là lợi ích kép mà mô hình trồng sâm Ngọc Linh của HTX mang lại.
Dự kiến thời gian tới, HTX sẽ trồng thêm khoảng 30 - 50 ha sâm Ngọc Linh, diện tích trồng sâm năm sau sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân, bởi đến nay HTX đã chủ động về nguồn giống.
Huyền Trang