Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 195 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, trong đó, có 141 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, 10 HTX công nghiệp - TTCN, 25 HTX giao thông vận tải, 8 HTX xây dựng, 5 HTX thương mại và 6 quỹ TDND.
HTX tạo khác biệt
Các HTX đang thu hút xấp xỉ 16.500 thành viên, tạo việc làm cho trên 1.700 lao động, mức thu nhập bình quân đạt 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt hơn 389 tỷ đồng, doanh thu gần 102 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, cho biết: “Các HTX trên địa tỉnh đã và đang phát huy tốt vai trò dẫn dắt sản xuất, mở rộng thị trường, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, người lao động”.
Sự ra đời của các HTX đang giúp các thành viên từng bước ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, tránh được sự ép giá của tư thương.
Tháng 10/2017, HTX Ia Peng (huyện Phú Thiện) được thành lập với 29 thành viên, hoạt động trên địa bàn 3 xã là Ia Peng, Ia Sol (huyện Phú Thiện) và xã Ia Trok (huyện Ia Pa). HTX phát triển mô hình trồng rau ngót rộng hơn 20 ha và gần 6.000 m2 nhà lưới trồng các loại rau an toàn khác.
Nhờ sản xuất an toàn, các mô hình của HTX đang cho hiệu quả vượt trội. Điển hình, cây rau ngót của HTX đang cho năng suất trung bình 15 tấn/lứa/ ha (8 lứa/năm), với giá bình quân 6.000 - 7.000 đồng/kg, thành viên HTX có thể thu về 600 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Tương tự, HTX Nam Yang (huyện Đăk Đoa) hiện có 15 thành viên và hơn 100 hộ liên kết, đang trở thành nhân tố chính hình thành nên cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 120 ha trồng cà phê trên địa bàn.
“Kể từ khi thành lập, HTX đã trở thành cầu nối giao thương, trao đổi, giao dịch các sản phẩm cà phê, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên, người lao động, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân tại địa phương”, ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nam Yang, cho hay.
![]() |
Các HTX đang là động lực phát triển NTM tại Gia Lai |
Cầu nối phát triển NTM
Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với nông dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một trong số đó là những đóng góp thiết thực trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Trương Phước Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết: “Năm 2018, toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100% kế hoạch), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 60/184 xã. Thị xã An Khê đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành xây dựng NTM”.
Đến cuối tháng 2/2019, ngoài 60 xã đã đạt chuẩn NTM, tỉnh có 5 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 66 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 53 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 12,7 tiêu chí (tăng 1,12 tiêu chí so với cuối năm 2017). Bộ mặt NTM khởi sắc, đời sống kinh tế của người dân được nâng lên đáng kể.
Nhìn nhận rõ vai trò của khu vực HTX trong xây dựng NTM, tháng 7/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã bổ sung 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương nhằm hỗ trợ phát triển 8 mô hình HTX điểm tại huyện, thị xã, hướng tới mục tiêu thúc đẩy xây dựng NTM tại các địa phương.
Nguồn vốn sẽ được dành để phát triển 2 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại thị xã An Khê và huyện Đak Đoa (610 triệu đồng); 3 mô hình HTX có chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, tiêu thụ tại các huyện Phú Thiện, Đak Pơ, Chư Pưh (960 triệu đồng); 3 mô hình thành lập HTX nông nghiệp từ các Tổ hợp tác gắn với sản phẩm đặc trưng tại Tp.Pleiku và 2 huyện Ia Grai, Kbang (930 triệu đồng).
Nhật Minh