Điều đáng mừng là ở Lâm Đồng, nhiều HTX với tinh thần dám nghĩ dám làm và sự nhạy bén với công nghệ, đã biến những thách thức thành cơ hội để tự nghiên cứu, cải tiến và áp dụng các giải pháp số vào nông nghiệp. Đây không chỉ là bước tiến về công nghệ mà còn thể hiện sự trưởng thành, tự chủ của khu vực kinh tế tập thể.
Tiên phong trong nông nghiệp thông minh
Một trong những ví dụ tiêu biểu là HTX Thủy canh Việt tại TP. Đà Lạt. Dưới sự dẫn dắt của Thạc sĩ sinh học thực vật Nguyễn Đức Huy, HTX này đã không ngừng nghiên cứu và phát triển hệ thống kiểm soát VietPorics (VietPorics Control System). Đây là một giải pháp công nghệ do chính HTX thiết lập dựa trên việc thu thập dữ liệu sinh trưởng, phát triển của cây trồng và các yếu tố môi trường tác động (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng).
Hệ thống này cho phép kiểm soát chặt chẽ các thông số tiểu khí hậu trong nhà kính, tối ưu hóa điều kiện sinh trưởng cho các loại cây trồng như hoa cúc, đồng tiền, ớt chuông, dâu tây và cà chua. Điều đặc biệt là HTX Thủy canh Việt còn hướng tới mục tiêu số hóa toàn bộ các khâu trong sản xuất, từ lên kế hoạch trồng cây, dự báo thời điểm thu hoạch cho đến kế hoạch marketing và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sự chủ động này giúp HTX không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn có khả năng dự báo thị trường, giảm thiểu rủi ro.
![]() |
HTX Thủy canh Việt chủ động nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại vào sản xuất. |
Một HTX khác cũng đang thể hiện sự đổi mới là HTX Laba Banana Đạ K'Nàng. Để nâng cao chất lượng và đặc biệt là khả năng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối Laba nổi tiếng, HTX này đã tự nghiên cứu và triển khai giải pháp gắn chip điện tử cho từng cây chuối. Hệ thống chip này cho phép bộ phận kỹ thuật của HTX và các đối tác (đặc biệt là đối tác Nhật Bản) cùng theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chăm sóc đã đặt ra. Đây là ví dụ rõ nét về việc HTX tự phát triển giải pháp công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao và yêu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường quốc tế, từ đó nâng cao giá trị và uy tín cho thương hiệu chuối Laba.
Ngoài ra, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đang chủ động áp dụng các giải pháp tự nghiên cứu hoặc tùy chỉnh từ các công nghệ sẵn có. Có thể kể đến việc tự thiết kế các hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh; tự xây dựng các phần mềm quản lý kho, quản lý sản xuất đơn giản nhưng hiệu quả; hoặc tự phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
Những sáng kiến này tuy có thể không phức tạp như những công nghệ cao cấp, nhưng lại vô cùng thiết thực và phù hợp với quy mô, nguồn lực của từng HTX, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm chi phí, tăng năng suất và cải thiện chất lượng nông sản.
Chủ động tìm hiểu, đánh giá, ứng dụng KHCN
Việc các HTX chủ động nghiên cứu và ứng dụng KHCN không chỉ là minh chứng cho năng lực nội tại mà còn là yếu tố then chốt giúp Lâm Đồng hình thành nền công nghiệp hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao. Khi chính những người trực tiếp sản xuất là người hiểu rõ nhất vấn đề và tự tìm ra giải pháp, hiệu quả ứng dụng sẽ được tối ưu hóa.
Các giải pháp công nghệ do HTX tự nghiên cứu thường mang tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đặc thù cây trồng, vật nuôi của địa phương. Điều này tránh được tình trạng áp dụng công nghệ rập khuôn, không phù hợp, gây lãng phí và kém hiệu quả. Hơn nữa, quá trình tự nghiên cứu cũng giúp các thành viên HTX nâng cao trình độ kỹ thuật, làm chủ công nghệ và dễ dàng thích nghi với những đổi mới trong tương lai.
Không chỉ dừng ở việc tự nghiên cứu, nhiều HTX ở Lâm Đồng cũng chủ động liên kết với các tổ chức, nhà khoa học, tập đoàn để có thể tìm ra và ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến vào phát triển sản xuất một cách hiệu quả.
Tiêu biểu như HTX Sunfood Đà Lạt đã liên kết với các tập đoàn nước ngoài để đặt mua và ứng dụng các loại giống cây trồng chất lượng cao, đa dạng, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng Đà Lạt và thị hiếu người tiêu dùng. HTX cũng đã ký hợp đồng xây dựng phòng nghiên cứu đất và sản xuất các chủng vi sinh vật có lợi phục vụ từng loại cây trồng. Đây là kết quả của việc ứng dụng sâu rộng các nghiên cứu về vi sinh nông nghiệp và dinh dưỡng cây trồng.
![]() |
Các HTX ở Lâm Đồng chủ động ứng dụng công nghệ và tiếp cận với các đơn vị nghiên cứu. |
HTX cũng chú trọng sử dụng các chế phẩm sinh học hữu cơ thay vì phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, dựa trên các nghiên cứu về nông nghiệp bền vững. Sunfood Đà Lạt còn chủ động áp dụng các quy trình sử dụng máy châm phân và tưới tự động, được xây dựng dựa trên các nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng và nước của cây trồng trong từng giai đoạn, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và tài nguyên.
Còn tại HTX Nông nghiệp Tiến Huy ngoài đứng ra chuyển giao các nghiên cứu về quy trình canh tác nông nghiệp đạt chuẩn, phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, còn thực hiện phân phối độc quyền một số giống cây trồng (như dưa leo baby và bông cải xanh baby từ Nhật Bản) cho nông dân sản xuất. Đây là kết quả của việc nghiên cứu và tìm kiếm các giống có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với thị trường của HTX.
Những điều này cho thấy, các HTX ở Lâm Đồng không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận công nghệ mà còn rất chủ động trong việc tìm hiểu, đánh giá và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với điều kiện của mình.
Khi công nghệ được ứng dụng một cách đồng bộ và hiệu quả trong từng HTX, nó sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng vượt trội, đồng đều và có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là những yếu tố then chốt để đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển đi liền với bảo vệ môi trường.
Nâng cao năng lực cho HTX
Điều đáng nói là những nỗ lực tự thân của các HTX trong việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN cũng đang góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Khi tự làm chủ công nghệ, các HTX có thể kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và giảm thiểu chất thải nông nghiệp.
Hiện, nhiều HTX ở Lâm Đồng đang ứng dụng công nghệ tự động hóa hệ thống tưới tiêu giúp tiết kiệm nước tối đa. Việc theo dõi sức khỏe cây trồng, vật nuôi bằng cảm biến và phần mềm giúp các HTX giảm thiểu việc lạm dụng hóa chất. Các mô hình kinh tế tuần hoàn, như tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc năng lượng sinh học, cũng đang được các HTX chủ động tìm hiểu và triển khai. Sự tự chủ về công nghệ giúp họ điều chỉnh quy trình sản xuất linh hoạt hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về nông nghiệp xanh.
Một trong những vai trò then chốt của vấn đề này chính là thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng là trở thành cầu nối chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học từ các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu đến trực tiếp các HTX. Liên minh HTX tỉnh cũng kết nối với Liên minh HTX Việt Nam, các ban ngành thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn, và các buổi làm việc trực tiếp giữa nhà khoa học với đại diện các HTX để giới thiệu các công nghệ mới, các quy trình canh tác tiên tiến, hay các giải pháp quản lý sản xuất hiện đại.
Chính vì vậy mà các giống cây trồng, vật nuôi mới, các quy trình phòng trừ dịch bệnh sinh học, hoặc các công nghệ chế biến sau thu hoạch đã đến gần hơn với HTX. Các nhà khoa học cũng trực tiếp trình bày kết quả nghiên cứu, giải đáp thắc mắc và tư vấn cụ thể cho từng loại hình sản xuất của HTX một cách phù hợp.
Rõ ràng, Lâm Đồng đang chứng minh rằng, với tinh thần chủ động, dám đổi mới và sự hỗ trợ đúng đắn từ chính sách, các HTX hoàn toàn có thể trở thành những trung tâm sáng tạo, tự nghiên cứu và ứng dụng KHCN hiệu quả. Đây chính là con đường để nông nghiệp Lâm Đồng vươn lên mạnh mẽ, hình thành nền công nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Trí Chiến