Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như xoài cát Chu Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, lúa gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ sen…
Thành tựu đáng khích lệ
Trong những năm gần đây, nhận thức về SHTT trong cộng đồng các HTX đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều HTX đã chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Điển hình như HTX Xoài Mỹ Xương đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Xoài Cao Lãnh", góp phần nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm trên thị trường. Hay HTX quýt hồng Lai Vung với chỉ dẫn địa lý "Lai Vung" cho sản phẩm quýt hồng đã giúp người nông dân bảo vệ được danh tiếng và chất lượng sản phẩm truyền thống.
Nhờ việc này mà sản phẩm của các HTX bán chạy hơn trên thị trường và nhiều thành viên HTX có thu nhập ổn định.
Như tại HTX xoài Mỹ Xương đăng ký sản xuất xoài theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Chỉ trong thời gian ngắn, HTX đã tạo được mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ổn định và bền vững. Về liên kết sản xuất, bước đầu HTX liên kết chặt chẽ với các nhà vườn bố trí thời vụ hợp lý để sản xuất. Các nhà vườn đạt chứng nhận chuẩn GlobalGAP đều thực hiện cùng một quy trình sản xuất, có trao đổi rút kinh nghiệm trong việc xử lý ra hoa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, ra quả và bao trái; các tổ liên kết sản xuất tỉa cành, tạo tán, bao trái được hình thành phục vụ cho thành viên và những nhà vườn có nhu cầu...
![]() |
Quan tâm đến SHTT giúp nâng cao giá trị của quả xoài ở Đồng Tháp. |
Ðể liên kết tiêu thụ, HTX ký hợp đồng ghi nhớ với một số doanh nghiệp và Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co-op). Trung bình, xoài của HTX có giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nhờ vậy mà nhiều thành viên HTX xoài Mỹ Xương đã có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình được cải thiện.
Một trong những khó khăn mà HTX gặp phải trong liên kết tiêu thụ sản phẩm đó là sản lượng xoài mà các khách hàng yêu cầu cung cấp quá lớn, trong khi sản lượng xoài của HTX còn nhỏ nên HTX phải bỏ lỡ nhiều cơ hội ký hợp đồng.
HTX Mỹ Xương hay HTX quýt hồng Lai Vung chỉ là những điển hình thành công trong việc xây dựng và phát triển SHTT ở Đồng Tháp. Từ những thành công của các HTX này, có thể thấy, sự chủ động và quyết tâm của ban lãnh đạo một số HTX trong việc nhận thức và triển khai các hoạt động liên quan đến SHTT là yếu tố then chốt. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý cần dựa trên chất lượng và đặc trưng riêng của sản phẩm, đồng thời có sự tham gia và đồng thuận cao của các thành viên. Và sau khi được bảo hộ, việc quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý cần được thực hiện nghiêm ngặt để duy trì uy tín và giá trị của thương hiệu.
Nhưng để có được những điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các HTX, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hỗ trợ trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển SHTT.
Những nỗ lực và giải pháp thiết thực
Tại Đồng Tháp, để hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc bảo vệ và phát triển SHTT, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp thiết thực. Một trong những việc được thực hiện trong thời gian qua là tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các hội thảo, tập huấn, và các phương tiện truyền thông đại chúng. Chú trọng vào việc trang bị kiến thức cơ bản về đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và các biện pháp bảo vệ quyền SHTT cho nông dân, HTX.
Là đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cũng phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các ban ngành để tổ chức các hoạt động hỗ trợ SHTT cho các HTX thông qua các chuỗi hội thảo và tập huấn chuyên sâu. Các chương trình này tập trung vào việc trang bị cho cán bộ quản lý và thành viên HTX những kiến thức cơ bản về quyền SHTT, quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, cũng như các biện pháp phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, các chuyên gia tại các hội thảo cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng thương hiệu, quản lý và khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các HTX trên thị trường.
![]() |
Quýt hồng Lai Vung là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Đồng Tháp. |
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc hỗ trợ các HTX xây dựng và bảo vệ tài sản SHTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể của tỉnh.
Đặc biệt, thông qua các buổi hội thảo, tập huấn này, HTX cũng có cơ hội tiếp cận những chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu cho việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận hệ thống bảo hộ SHTT quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh và Liên minh HTX tỉnh cũng khuyến khích và hỗ trợ các HTX xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình, gắn liền với các tài sản SHTT đã được bảo hộ. Việc xây dựng thương hiệu mạnh sẽ giúp sản phẩm của HTX có được sự nhận diện tốt hơn trên thị trường và gia tăng giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các HTX và người nông dân được Đồng Tháp quan tâm. Điển hình như việc HTX Xoài Mỹ Xương từng bị giả nhãn hiệu tập thể đã được các ban ngành nhanh chóng và cuộc, hỗ trợ giải quyết nhằm bảo vệ những thành quả mà HTX đã đạt được. Điều này không chỉ tạo động lực cho HTX Mỹ Xương trong bảo vệ tài sản SHTT mà còn khuyến khích các HTX đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo ra các sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đã có 38 giấy chứng nhận đăng ký sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông sản chủ lực và đặc thù. Trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm xoài; 33 nhãn hiệu chứng nhận cho nhiều loại nông sản đặc trưng; 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh và quảng bá hình ảnh địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Đồng Tháp" cho sản phẩm sen và một số nhãn hiệu khác cho các sản phẩm tiềm năng như "Làng bột Sa Đéc", "Sầu riêng Cao Lãnh", "Xoài Cù Lao Tây", "Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp",...
Việc đạt được 38 giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ cho thấy những nỗ lực đáng kể của tỉnh Đồng Tháp trong việc bảo vệ và nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Tăng khả năng cạnh tranh cho nông-đặc sản
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, các HTX tại Đồng Tháp vẫn đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình liên quan đến SHTT.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nhận thức về tầm quan trọng và các quy định pháp luật liên quan đến SHTT của một bộ phận cán bộ quản lý HTX và thành viên còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc các HTX chưa thực sự chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ, quản lý và khai thác hiệu quả các đối tượng SHTT.
Đi liền với đó, nguồn lực tài chính và nhân lực chuyên trách về SHTT tại các HTX còn mỏng, gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển SHTT một cách bài bản và chuyên nghiệp. Và vì là vùng trái cây trù phú, có tiềm năng xuất khẩu và đã có một số HTX đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể nên tình trạng xâm phạm quyền SHTT đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng vẫn còn diễn ra, gây thiệt hại không nhỏ đến uy tín và lợi ích kinh tế của các HTX và người nông dân. Việc khai thác và thương mại hóa các tài sản SHTT, đặc biệt là các sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp của các HTX còn chưa được quan tâm đúng mức.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc chú trọng bảo vệ và phát triển SHTT sẽ là chìa khóa để các HTX tại Đồng Tháp nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Do đó, các HTX mong rằng tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý, bảo vệ và khai thác tài sản SHTT cho cán bộ quản lý HTX, thành viên và các đối tượng liên quan. Nội dung đào tạo cần tập trung vào các vấn đề cụ thể như đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quản lý chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, phòng chống xâm phạm quyền SHTT.
Đi liền với đó là phát triển mạng lưới các chuyên gia tư vấn về SHTT có kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ các HTX trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Tạo điều kiện cho các HTX liên kết với các doanh nghiệp, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đã đăng ký SHTT.
Nếu vấn đề SHTT tại Đồng Tháp tiếp tục được quan tâm đúng mức sẽ giúp những "đứa con tinh thần" của các HTX không chỉ tài sản mà còn là tương lai của các HTX và sự thịnh vượng của cộng đồng nông dân Đồng Tháp được bảo vệ. Từ đây, các nông-đặc sản Đồng Tháp hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và vươn xa trên bản đồ nông sản quốc tế.
Cánh Sóng