Trong hành trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông dân và các HTX tại Long Phú đã chủ động đưa khoa học công nghệ vào mọi khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ giống, canh tác, thu hoạch đến chế biến và xây dựng thương hiệu.
Công nghệ là sống còn
Ngồi giữa văn phòng HTX Nông nghiệp Phú Lộc (xã Long Đức), ông Lê Văn Phong – Giám đốc HTX – mở chiếc máy tính bảng quen thuộc để điều khiển hệ thống tưới tự động trong vùng sản xuất 30ha lúa hữu cơ.
“Chỉ cần chạm nhẹ là có thể kiểm soát độ ẩm, phân tích dinh dưỡng đất và theo dõi sâu bệnh từ xa. Mình không còn phải đi từng ruộng như trước nữa. Đó là điều 10 năm trước chưa dám mơ”, ông Phong tự hào nói.
![]() |
Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp HTX, nông dân Long Phú giảm công lao động, tăng năng suất. |
HTX Phú Lộc là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất lúa hữu cơ. Từ năm 2021, với sự hỗ trợ từ ban ngành chức năng tỉnh cùng các tổ chức phi chính phủ, HTX đã tiếp cận mô hình canh tác thông minh: sử dụng thiết bị IoT trong kiểm soát môi trường đất, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc sinh học, và dùng ứng dụng phần mềm để ghi chép nhật ký canh tác.
“Làm nông bây giờ phải biết dùng công nghệ, chứ không thì không theo kịp thị trường. Khách hàng hỏi rất kỹ về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Công nghệ giúp mình trả lời tất cả bằng số liệu”, ông Phong nói thêm.
Không chỉ có Phú Lộc, nhiều HTX khác tại Long Phú cũng đang bắt nhịp với xu hướng số hóa nông nghiệp: HTX Rau sạch Thạnh Phú (xã Tân Thạnh) đầu tư nhà màng, hệ thống cảm biến môi trường và quy trình canh tác theo hướng VietGAP; HTX nuôi tôm Long Phú ở xã Song Phụng sử dụng hệ thống cảm biến đo độ mặn, pH nước và oxy hòa tan tự động, giúp kiểm soát dịch bệnh và tăng năng suất...
Bên cạnh lớp nông dân truyền thống, những người trẻ ở Long Phú đang tạo nên sức bật mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
Anh Nguyễn Hữu Tín – kỹ sư công nghệ sinh học, hiện đang phụ trách kỹ thuật tại HTX Sản xuất nấm sạch Long Phú (xã Châu Khánh) – chia sẻ: “Chúng tôi áp dụng quy trình sản xuất khép kín, từ nhân giống, ươm sợi đến đóng gói đều được kiểm soát bằng công nghệ. Mỗi ngày đều có báo cáo từ hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm để điều chỉnh môi trường tối ưu cho nấm phát triển”.
“Lá chắn” bảo vệ thương hiệu nông sản
Anh Tín cho biết thêm, sản phẩm nấm bào ngư và nấm linh chi của HTX Sản xuất nấm sạch Long Phú hiện đã được đăng ký mã số, mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Nhờ đó, sản phẩm dễ dàng vào được các siêu thị tại Cần Thơ, TP. HCM và được đối tác tin tưởng hơn.
Không chỉ chú trọng công nghệ trong sản xuất, HTX còn đẩy mạnh thương mại điện tử. “Chúng tôi có fanpage riêng, bán hàng trên các sàn như Postmart, Voso, Shopee. Thậm chí còn hợp tác với các KOLs địa phương để quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch”, anh Tín chia sẻ.
Một điểm sáng trong bức tranh chuyển đổi của Long Phú là việc các HTX dần quan tâm đến sở hữu trí tuệ – một yếu tố quan trọng giúp nâng tầm giá trị nông sản.
Năm 2023, HTX Lúa hữu cơ Phú Lộc đã hoàn tất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gạo sạch Phú Lộc”. Cũng trong năm này, hai sản phẩm là “Nấm sạch Long Phú” và “Rau an toàn Thạnh Phú” đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Long Phú cho hay sở hữu trí tuệ là nền tảng để xây dựng thương hiệu bền vững. Nếu không có bảo hộ, sản phẩm dễ bị làm nhái, mất uy tín. Vì vậy, những năm gần đây, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ HTX, hộ sản xuất.
![]() |
Long Phú dự kiến đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, nâng giá trị gia tăng. |
Trong năm 2025, Long Phú đặt mục tiêu ít nhất 50% HTX nông nghiệp có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc mã vùng trồng. Đặc biệt, địa phương đang hướng tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số nông sản đặc trưng như gạo thơm Châu Khánh và cá bống tượng Long Đức.
Có thể thấy, ứng dụng khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ không chỉ dừng ở việc tăng năng suất, chất lượng, mà còn mở đường cho sản phẩm nông nghiệp Long Phú tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Thông qua các dự án liên kết sản xuất – tiêu thụ, nhiều HTX tại Long Phú đã ký kết với doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Co.opMart để tiêu thụ ổn định.
Hướng tới nông nghiệp bền vững
Sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX rõ ràng đang góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp huyện Long Phú theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng. Để có thành công này, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực.
Điển hình, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử và hỗ trợ xuất khẩu cho các thành viên, hộ liên kết của HTX.
Thông qua các hội nghị, các HTX được hướng dẫn sử dụng các công cụ số như phần mềm quản lý sản xuất, hóa đơn điện tử và chữ ký số. Đơn cử, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức) đã tiên phong trong việc áp dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và giao dịch.
Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã ký kết hợp tác với các đơn vị như Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thương mại và kỹ thuật số (CADE) và Sàn thương mại điện tử Felix.store. Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ các HTX trong việc mở rộng kênh phân phối trực tuyến và tiếp cận thị trường mới. Nhiều HTX đã mở gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế tập thể với Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh và Hậu Giang giai đoạn 2023-2025. Chương trình nhằm thúc đẩy giao thương, liên kết phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên giữa ba tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ số và phát triển năng lực sản xuất theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của các HTX ở mỗi địa phương .
Với những nguồn lực, chiến lược phát triển đúng hướng, huyện Long Phú đang dần vẽ nên một bức tranh nông nghiệp hiện đại, thông minh và xanh hơn nhờ sự đồng hành của khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ. Không còn là những cánh đồng đơn lẻ, manh mún, Long Phú giờ đây là nơi sản xuất kết nối – từ ruộng đồng đến siêu thị, từ nông dân đến người tiêu dùng.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những gì đã và đang làm được, Long Phú xứng đáng là một trong những điểm sáng của Đồng bằng sông Cửu Long trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp.
Nam Phong