Những sản phẩm nông sản đặc trưng ở Châu Đức như rau sạch 4K, ca cao GlobalGAP, thanh long VietGAP... đang là những sản phẩm nông nghiệp không chỉ giúp nông dân, HTX đổi đời, mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Tư duy mới từ những người nông dân “cũ”
Một buổi sáng giữa năm 2023, 14 hộ nông dân ở xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, đã làm một việc không nhiều người dám làm: bắt tay thành lập HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Đồng Xanh – nơi hội tụ của quyết tâm “làm nông kiểu mới”.
Sau khi HTX đi vào hoạt động, các thành viên từ bỏ thói quen canh tác nhỏ lẻ, mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhật ký số hóa quy trình canh tác, tiếp cận các tiêu chuẩn an toàn như 4K (không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không giống biến đổi gen).
![]() |
Nông dân, HTX ở Châu Đức đang tích cực đổi mới sản xuất theo hướng hiện đại. |
Tại đây, từng luống rau đều được kiểm soát nghiêm ngặt về kỹ thuật: từ tưới tiêu đến bón phân, làm cỏ đều phải được ghi chép cụ thể trên nhật ký canh tác. Nhân viên kỹ thuật HTX cùng đối tác tiêu thụ thực hiện kiểm tra định kỳ hàng tuần. Nhờ áp dụng nhà màng và công nghệ sinh học, rau không chỉ sạch mà còn đồng đều về chất lượng, tăng năng suất, giảm phụ thuộc vào thời tiết.
“Nhờ công nghệ, năng suất tăng gần gấp đôi. Một ha rau sạch hiện mang về từ 150 đến 250 triệu đồng mỗi năm,” bà Mai Thị Thảo, Phó Giám đốc HTX Đồng Xanh cho biết.
Không dừng lại ở đó, HTX còn đẩy mạnh việc sơ chế, đóng gói chuyên nghiệp, đưa rau sạch vào các chuỗi siêu thị như Bách Hóa Xanh và các bếp ăn công nghiệp. Mỗi gói rau không chỉ sạch mà còn có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng – yếu tố đang trở thành “giấy thông hành” trong thị trường hiện đại.
Tư duy làm nông gắn với khoa học công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ. Tại xã Bình Giã, HTX Ca cao Châu Đức hiện là một điểm sáng trong việc nâng tầm nông sản bản địa bằng công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Với gần 100 ha canh tác, HTX này không chỉ tổ chức sản xuất theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP mà còn chủ động xây dựng thương hiệu ca cao Châu Đức – hướng đến mục tiêu đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Vẽ lại bức tranh nông nghiệp
“Sản phẩm ca cao của chúng tôi hiện được các doanh nghiệp đối tác tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước thu mua ổn định với giá cao. Quan trọng là chất lượng và quy trình đều được chuẩn hóa, có truy xuất nguồn gốc”, ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX chia sẻ.
Từ khâu chọn giống, canh tác, thu hái đến lên men hạt, tất cả đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. HTX Ca cao Châu Đức đóng vai trò trung gian kỹ thuật – pháp lý giúp các thành viên tiếp cận công nghệ vi sinh, kỹ thuật hữu cơ, đồng thời bảo hộ quyền lợi thông qua sở hữu trí tuệ.
Cùng định hướng này, HTX nông nghiệp Xuân Trường (xã Bình Ba) đang phát triển vùng trồng thanh long sạch trên 12 ha. Ứng dụng tưới nhỏ giọt, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, kiểm soát côn trùng sinh học, sản phẩm thanh long của HTX đã đạt chuẩn VietGAP và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chứng nhận GlobalGAP.
“Tham gia HTX, chúng tôi không còn sợ bị thương lái ép giá. Quan trọng hơn, chúng tôi làm ra sản phẩm mà bản thân cũng dám ăn, và người tiêu dùng tin tưởng,” ông Trịnh Văn Tiến – một thành viên chia sẻ.
Trước làn sóng đổi mới mạnh mẽ từ các HTX, chính quyền huyện Châu Đức xác định khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ là hai trụ cột quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Huyện đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh công nghệ cao tại xã Xuân Sơn, Quảng Thành, Cù Bị với tổng diện tích hơn 1.000 ha trong giai đoạn 2025.
![]() |
Sản xuất hiện đại giúp nông sản huyện Châu Đức ngày càng nâng cao giá trị, thương hiệu. |
“Chúng tôi không chỉ khuyến khích trồng trọt sạch, mà hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc, có sở hữu trí tuệ rõ ràng. Tương lai của nông nghiệp không thể dựa vào số lượng, mà phải dựa vào giá trị tăng thêm từ khoa học và thương hiệu,” đại diện UBND huyện Châu Đức nhấn mạnh.
Huyện cũng đang xúc tiến thành lập các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết "5 nhà": nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà băng. Từ đây, nông dân, HTX không chỉ được tập huấn mà còn tiếp cận vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản địa phương.
Chìa khóa mở cửa tương lai
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ thiết thực từ ban ngành địa phương, không thể không nhắc đến những đóng góp tích cực của khu vực kinh tế hợp tác, HTX ở Châu Đức, với sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các chương trình hỗ trợ đa dạng, từ đào tạo, chuyển giao công nghệ đến xúc tiến thương mại, đã giúp các HTX nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Một trong những hỗ trợ nổi bật là chương trình cơ giới hóa nông nghiệp. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn đã được trang bị thiết bị bay không người lái T50 để phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho người lao động.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, sản xuất theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Các HTX như HTX Dưa lưới An Farm đã áp dụng thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt năng suất cao và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cũng được triển khai mạnh mẽ. Nhờ những hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX, các HTX tại Châu Đức đã nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo việc làm ổn định cho người lao động và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự đồng hành này không chỉ giúp các HTX vượt qua khó khăn mà còn mở ra hướng đi bền vững trong tương lai.
Có thể nói, từ một vùng đất thuần nông, Châu Đức đang từng bước trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Những HTX như Đồng Xanh, Ca cao Châu Đức, Xuân Trường không chỉ thay đổi cách làm nông, mà còn thay đổi chính tư duy sản xuất – chuyển từ “bán cái mình có” sang “làm cái thị trường cần”, với công nghệ và sở hữu trí tuệ là chìa khóa mở cửa tương lai.
Đông Phong