![]() |
Đức Trọng đang đẩy mạnh trồng rau công nghệ cao |
Ứng dụng công nghệ
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đức Trọng, cơ cấu cây trồng chính của huyện là cà phê, dâu tằm, rau, hoa các loại. Xu hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện bắt đầu “nở rộ” từ năm 2005, trong đó các HTX là một trong những “đầu tàu” dẫn dắt sản xuất.
Được thành lập từ năm 2004, HTX nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An) hiện có gần 40 ha canh tác rau quả công nghệ cao. Năm 2017, HTX được chuyên gia Israel cố vấn xây dựng nhà màng, hệ thống tưới tiêu, sử dụng phân bón hữu cơ và ghi chép nhật ký canh tác điện tử.
Ông Lê Văn Ba - Giám đốc HTX, cho hay: “Sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều được sản xuất trên giá thể, trong nhà màng, nhà kính và đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong quá trình sản xuất, toàn bộ dữ liệu về cây trồng đều được ghi lại bằng nhật ký điện tử để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Kể từ khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản lượng của HTX An Phú tăng gấp 70 lần so với phương pháp truyền thống. Với nền tảng đang có, HTX đặt mục tiêu nâng năng suất bình quân lên 38 – 42 tấn/1.000 m2 nhà màng, nhà kính.
Tương tự, HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú được thành lập từ năm 2017, cung cấp các dịch vụ trồng trọt, cung ứng giống cây trồng, vật tư, tiêu thụ... Trong sản xuất, các thành viên HTX hoạt động theo chuỗi, trong đó, người chuyên trồng su hào, người trồng dưa leo, người chuyên khoai lang... tất cả đều được sản xuất theo hướng VietGAP.
Ông Phạm Ngọc Tổng – Giám đốc HTX, cho biết: “Bình quân mỗi năm, HTX thu hoạch 300 tấn cà chua, 700 tấn rau, củ, quả. Tổng doanh thu của HTX đạt 95 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng”.
![]() |
Rau công nghệ cao đang mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân |
Giá trị bật tăng, nông dân làm giàu
Kết quả thực tế cho thấy các hình thức sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động được ứng dụng trên diện rộng đang tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng.
Toàn huyện Đức Trọng hiện có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng gần 1.800 ha so với năm 2018, chủ yếu là tăng ở diện tích tưới nhỏ giọt.
Nhờ sản xuất theo hướng công nghệ cao, doanh thu của các mô hình tăng 200 – 400% so với sản xuất bình quân của toàn huyện; trong đó, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân 500 - 1.000 triệu đồng/ha.
Chính các mô hình sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao đã mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho hàng trăm nông dân huyện Đức Trọng.
Xuất thân trong một gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, tuổi thơ chị K’ Niếu (xã Phú Hội) gắn với nghèo khó, thiếu thốn. Tuy nhiên, quyết định đầu tư phát triển mô hình trồng rau quả theo hướng công nghệ cao đã thay đổi cuộc đời chị.
Hiện tại, với hơn 20 ha trồng rau công nghệ cao, chị K’ Niếu thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng/năm, cuộc sống khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động.
Những thành công tại Đức Trọng chứng minh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là “chìa khóa” giúp người nông dân thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Kể từ năm 2019, Đức Trọng đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vạn vật kết nối internet (IoT) vào quản lý sản xuất trên địa bàn huyện. Với IoT, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người sản xuất đã có thể đo được pH, EC, chỉ số môi trường, ẩm độ, điều khiển tưới nhỏ giọt, ánh sáng quạt thông gió, ghi lại được nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, định vị được vị trí sản xuất...
IoT dự kiến sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, gia tăng giá trị kinh tế, thoát nghèo, làm giàu.
Hưng Nguyên