Trước thông tin dầu ăn bẩn thời gian gần đây, nhiều gia đình đã mua lạc về nhà tự ép, bán trên mạng hoặc mang nguyên liệu đến những cơ sở ép lạc để mong nhận được sản phẩm dầu ăn thực vật thực chất.
Cạnh tranh không lành mạnh
Không chỉ dầu ăn, thời gian qua, thị trường sản phẩm handmade được mua bán, kinh doanh trên mạng xã hội khá rầm rộ từ những món ăn vặt, đồ uống, thực phẩm chế biến sẵn cho đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, mỹ phẩm...
Người tiêu dùng thường tin rằng sản phẩm "handmade" được chế biến từ nguyên liệu tươi sạch, không chất bảo quản, giữ được hương vị tự nhiên và "chuẩn vị gia đình". Tuy nhiên, ở góc độ các HTX làm ăn chân chính thì việc buôn bán các sản phẩm tự làm đang tạo ra lỗ hổng không nhỏ trong trình sản xuất kinh doanh hiện nay, đặc biệt là ở phân khúc thị trường nhỏ lẻ, tự phát.
Ông Chử Văn Tuấn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành (Phú Thọ), cho biết việc hướng đến những sản phẩm handmade là do tâm lý ưa dùng những mặt hàng có nguồn gốc tự nhiên, có sự độc đáo, không bị "đụng hàng". Đây là một lợi thế đối với các HTX có cùng hướng đi. Tuy nhiên, do không phải chịu các chi phí lớn về mặt bằng, nhân công, quảng cáo như các doanh nghiệp hay HTX lớn, sản phẩm handmade thường có giá thành thấp hơn.
Theo anh Đinh Đức Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy (Hòa Bình cũ), để sản xuất được dầu thực vật, HTX đầu tư hàng tỷ đồng vào nhà xưởng, máy móc hiện đại, quy trình sản xuất khép kín đạt chuẩn. Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều phải trải qua kiểm định gắt gao, có giấy tờ chứng nhận đầy đủ từ cơ quan chức năng. Chi phí sản xuất, kiểm nghiệm từ vùng trồng, cơ sở sản xuất, người lao động, chứng nhận OCOP... đều không hề nhỏ.
![]() |
HTX Phượng Huệ đầu tư máy móc sản xuất các sản phẩm dược liệu. |
Trong khi đó, nhiều sản phẩm handmade, homemade lại không có giấy phép, không kiểm định chất lượng, thậm chí không rõ nguồn gốc nguyên liệu. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, khiến các HTX rất khó khăn trong việc giữ vững thị phần và định giá sản phẩm.
Hiện nay, có rất nhiều HTX làm sản phẩm truyền thống, nhưng vẫn phải tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, có nhãn mác, hạn sử dụng. Thậm chí HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của đối tác như HTX Bà Ba Hội chuyên sản xuất cá nục rim, bánh chưng… đã phải đầu tư nhà máy với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng, tất cả quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị đều đạt chứng nhận HACCP, ISO, FDA và các tiêu chuẩn khác của thị trường châu Âu.
Chị Lý Thị Bích Huệ, Giám đốc HTX Phượng Huệ (Hà Nội), cho biết dù sản xuất những sản phẩm từ thuốc gia truyền nhưng HTX vẫn phải đầu tư máy móc, nhà xưởng, khu sản xuất lên đến hàng chục tỷ đồng và vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Sản phẩm làm ra phải được đăng ký, có giấy tờ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Thế nhưng, một thực trạng là không ít người tiêu dùng lại có xu hướng tin vào những sản phẩm "nhà làm" không nhãn mác, không truy xuất được nguồn gốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và doanh số của các HTX luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và sự minh bạch.
Những rủi ro tiềm ẩn
Theo các chuyên gia, các sản phẩm handmade dù có thể được chế biến từ nguyên liệu tốt, nhưng quy trình sản xuất, bảo quản thường không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
GS.TS Vũ Văn Hạnh, Viện Sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng việc tự ép dầu lạc tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng mà người tiêu dùng khó có thể nhận biết.
Điểm cốt yếu đầu tiên là nguồn gốc nguyên liệu. Lạc, vừng mua trôi nổi trên thị trường rất khó kiểm soát chất lượng, đặc biệt là nguy cơ nhiễm nấm mốc, cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Các thiết bị ép lạc thủ công tại nhà thường không đạt chuẩn vệ sinh công nghiệp. Cối giã, máy ép hay các vật chứa đựng dầu nếu không được làm sạch và tiệt trùng kỹ lưỡng sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, làm ô nhiễm trực tiếp vào dầu.
Hơn nữa, kiểm soát nhiệt độ ép là một thách thức lớn. Ép dầu ở nhiệt độ quá cao có thể làm biến đổi các chất dinh dưỡng có lợi trong dầu, thậm chí tạo ra các chất không mong muốn. Ngược lại, ép ở nhiệt độ thấp có thể không chiết xuất hết lượng dầu tối đa hoặc để lại nhiều tạp chất, dễ bị ôi thiu, gây độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) cho biết, chị mua một lít dầu lạc do một hộ gia đình tự ép với giá 130.000 đồng/lít, không hề rẻ so với giá dầu ăn trong siêu thị. Nhưng thực tế quá trình sử dụng loại dầu này rất hôi, nên chị khó có thể duy trì sử dụng lâu dài.
Về mặt pháp lý, Luật An toàn thực phẩm và các nghị định liên quan đã quy định rõ ràng về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bao gồm cả yêu cầu về địa điểm, trang thiết bị, nguồn nước, xử lý chất thải, và đặc biệt là nhãn mác sản phẩm phải ghi đầy đủ thông tin bắt buộc. Tuy nhiên, việc kiểm soát các sản phẩm handmade vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ và thương mại cho rằng với sản phẩm tự phát, việc quản lý chất lượng và xử lý vi phạm rất khó khăn. Nhiều cá nhân bán hàng không đăng ký kinh doanh, không có mã số thuế, không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Khi có vấn đề xảy ra, người tiêu dùng không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này còn tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, gây bất lợi cho các đơn vị làm ăn chân chính.
Huyền Trang