Chuyển đổi số là xu hướng của mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó có du lịch. Thời gian qua, không ít HTX đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch cộng đồng, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách.
Hướng đi tất yếu
Ở Quảng Ngãi, xu hướng phát triển du lịch cộng đồng đang được quan tâm phát triển. Điều này góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương, hình thành các dịch vụ trải nghiệm du lịch cộng đồng mới và tạo thêm sinh kế cho người dân.
Phát huy những thế mạnh của địa phương, năm 2019, HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ) được thành lập. Nhờ sự bắt nhịp rất nhanh với thị trường, thị hiếu của du khách, cùng chiến lược quảng bá thương hiệu thông minh, HTX ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Diễm Kiều cho hay, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đã xây dựng được 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, 5 thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ, 5 hướng dẫn viên đã qua đào tạo, 8 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Du khách đến đây còn được trải nghiệm các hoạt động như đan lưới, nấu ăn, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận điểm du lịch 3 sao theo tiêu chí của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
![]() |
Chuyển đổi số giúp HTX du lịch tiếp cận du khách nhanh chóng hơn. |
Kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của HTX cùng cộng đồng cư dân sống ở Gò Cỏ. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đến khả năng tiếp cận chuyển đổi số của HTX.
Đơn cử, HTX đang phát huy rất tốt các nền tảng số hóa trong hoạt động quảng bá thương hiệu, tiếp cận du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động của HTX được cập nhật hàng ngày trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, các trang web về du lịch... Trang facebook của HTX hiện có hàng nghìn lượt tương tác mỗi ngày.
Chính những hoạt động tích cực trên các nền tảng internet, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin về các dịch vụ của HTX, từ đặt tour, di chuyển, các hoạt động trải nghiệm, dịch vụ ăn, ở, nghỉ dưỡng… Có thể nói chuyển đối số chính là một trong những đòn bẩy để HTX Gò Cỏ có được thành công hiện tại.
Tiếp tục hoàn thiện
Tương tự, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu, Sơn La) đang là một trong những điển hình ứng dụng thành công chuyển đổi số vào sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện, HTX đang có cơ sở chế biến quả với diện tích hàng nghìn m2, được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Các sản phẩm chế biến của HTX gồm rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo… Tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt 800 - 1.000 tấn/năm.
Đặc biệt, HTX 19/5 đang có một quần thể nhà hàng, nhà nghỉ nối liền với khu sản xuất, chế biến để phục vụ khách tham quan, du lịch, tạo ra một hệ sinh thái khép kín.
HTX cũng đang phát huy tốt các đặc trưng của vùng cao nguyên, từ đó xây dựng các tour du lịch kết hợp du lịch cộng đồng, thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu. Du khách có nhu cầu đến HTX hiện tại cũng có thể dễ dàng liên hệ với đội ngũ tư vấn qua internet, điện thoại, mạng xã hội… để đặt tour.
Rõ ràng, các HTX du lịch đang có những bước tiến tích cực trong ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình hoạt động tạo ra những giá trị riêng biệt, nâng cao đời sống cho thành viên. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận quá trình trên còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ, từ đó xây dựng “đường băng” cho các HTX “cất cánh”.
Các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số ngành du lịch nói chung, và ở khu vực HTX du lịch nói riêng cần nâng cao nhận thức tư duy cán bộ nhà nước, chủ doanh nghiệp, HTX về chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu hòa chung và kết nối với các địa phương. Nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận cũng như đào tạo nhân lực nhằm giải quyết vấn đề đang đặt ra.
Với các HTX du lịch, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: thứ nhất, nâng cao nhận thức tư duy cán bộ Nhà nước, chủ doanh nghiệp, HTX về chuyển đổi số. Thứ hai, cơ sở dữ liệu hoà chung và kết nối với các địa phương. Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ. Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận. Thứ năm, đào tạo nhân lực – đây là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra.
Lệ Chi