“Khát” vốn và nhân lực trẻ
Thành lập năm 2002 và được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Phú (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) từng là một trong những đơn vị điển hình kinh doanh đa dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của thị trường, vấn đề thiên tai, dịch bệnh và nhất là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nên đến thời điểm này, HTX gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Đông Phú cho biết, dù HTX có bề dày hoạt động, song đến nay vẫn “loay hoay" xoay quanh các lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, cung ứng giống, thủy lợi nên doanh thu cầm chừng. HTX từng có ý tưởng, nguyện vọng đầu tư, mở rộng dịch vụ thu mua, chế biến lúa gạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm… nhưng do thiếu nguồn lực tài chính, thiếu cán bộ trẻ có trình độ, tâm huyết làm việc nên chưa thực hiện được.
![]() |
Các HTX cần chủ động về nhân lực và liên kết để sản xuất và tiêu thụ nông thuỷ sản (Ảnh: Internet) |
Cũng chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Thuận Hòa, xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) những tưởng sẽ có cơ hội, điều kiện mở rộng quy mô, khai thác tiềm năng thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, đến nay, HTX vẫn còn lúng túng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lãi hằng năm chưa thể bù đắp công nợ tồn đọng của nhiều năm trước.
Ông Nguyễn Xuân Viên, Trưởng ban Kiểm soát HTX Thuận Hòa bày tỏ sự chạnh lòng khi phải làm việc trong môi trường nhiều thiệt thòi, không mấy thuận lợi. HTX vốn có bề dày hoạt động sản xuất, kinh doanh từ sau ngày giải phóng đến nay. Nhưng vì lương, thu nhập của cán bộ thấp nên không thể thu hút cán bộ trẻ vào làm việc, khiến đội ngũ cán bộ HTX ngày càng “già hóa” và ỳ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Hòa, dù biết là để khắc phục những khó khăn tồn tại cố hữu lâu nay của các HTX là thiếu vốn, khát nhân lực trẻ nhưng rất khó để khắc phục. Nguyễn nhân là do hoạt động của HTX còn rất yếu, doanh thu thấp nên không thể thu hút cán bộ trẻ về làm việc. Mặc khác, chính sách về hỗ trợ cho các HTX vay vốn sản xuất, kinh doanh dù đã có nhưng vì tài sản của HTX lâu nay “chẳng có gì”, ngay cả trụ sở cũng chưa có nên không có điều kiện thế chấp vay vốn đầu tư mở mộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh đa lĩnh vực, ngành nghề. Đó chính là trở lực lớn khiến quá trình hoạt động của HTX nhiều năm qua còn luẩn quẩn với các dịch vụ truyền thống như cung ứng giống lúa, cày bừa, thủy lợi…
“HTX từng ấp ủ khát vọng được khai thác tiềm năng vùng đầm phá để nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thu mua sản phẩm, tổ chức khai thác dịch vụ du lịch … nhưng thiếu kinh phí, không có cán bộ trẻ có trình độ, năng động và làm việc tại HTX nên khó khăn không thể khắc phục”, ông Bình chia sẻ.
Nâng cao tính chủ động, thích ứng
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian qua, dưới sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, Liên minh HTX Việt Nam và lãnh đạo tỉnh, kinh tế tập thể, HTX địa phương có bước phát triển mới, hiệu quả hơn, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Hầu hết các HTX khi tổ chức các dịch vụ sản xuất, kinh doanh chưa gắn với liên kết với các tổ chức, các HTX với nhau và với các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản của HTX ổn định. Các HTX chưa mạnh dạn thay đổi, đầu tư công nghệ, các thiết bị, phương tiện canh tác; chưa nắm vững kiến thức, kỹ năng tiếp thị và thông tin thị trường.
Đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần lớn cao tuổi, chưa được đào tạo bài bản, mới chỉ trang bị kiến thức thông qua các lớp tập huấn ngắn ngày, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng để điều hành hoạt động.
![]() |
Các HTX cần liên kết để nâng cao giá trị thuỷ hải sản chứ không chỉ sản xuất, kinh doanh theo hướng truyền thống (Ảnh: Internet) |
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Lưu Quốc Doãn cho biết: “Để khắc phục những hạn chế đang gặp phải, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; một số sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống cần hướng đến xuất khẩu; tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy tiến trình thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh để hỗ trợ HTX thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức cho các HTX có sản phẩm đặc trưng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tham gia hội chợ, kết nối cung- cầu và tiếp thị sản phẩm…”.
Theo ông Phùng Độ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), trước yêu cầu thúc đẩy phát triển HTX, không có con đường nào khác ngoài mở rộng quy mô, đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Các HTX trước tiên phải bám sát thực tiễn, tiềm năng tại địa phương để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp.
“Lâu nay, hoạt động của HTX Thuỷ Dương có hiệu quả là nhờ tổ chức, đa dạng dịch vụ, ngành nghề theo nhu cầu của địa phương và các vùng lân cận chứ không phải sản xuất, kinh doanh thứ mình có. Ngoài duy trì các dịch vụ thủy lợi, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, giống, HTX còn tổ chức thu mua nông sản, xây dựng cơ bản, quản lý chợ, hỗ trợ vốn…”.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trần Lưu Quốc Doãn nhấn mạnh thêm, trong điều kiện khó khăn chung là thiếu vốn, thiếu nhân lực trẻ như hiện nay, các HTX phải năng động thích ứng để hợp tác, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị máy móc, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, phải chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút nhân lực trẻ có trình độ, chứ không phải chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
Hà Nam