Theo thống kê của của Coursera, một trong những nền tảng học trực tuyến lớn nhất thế giới, việc học trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Nền tảng này ghi nhận hơn 1,8 triệu người dùng đăng ký học tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 22% mỗi năm. Độ tuổi trung bình của học viên Việt Nam là 30, trong khi thế giới là 34 tuổi.
Xu hướng học tập bao gồm các khóa học liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng số, các dự án thực tế...
Đáng chú ý, Coursera ghi nhận hơn 1,8 triệu người dùng đăng ký học tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 22% mỗi năm. Đáng chú ý, nhu cầu học về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đang bùng nổ, với hơn 152.000 lượt ghi danh – tăng tới 400% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình, trong năm 2025, cứ mỗi 4 phút lại có một người học tại Việt Nam đăng ký một khóa học liên quan đến chủ đề GenAI trên Coursera.
![]() |
Theo thống kê của của Coursera, việc học trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 22% mỗi năm. Độ tuổi trung bình của học viên Việt Nam là 30, trong khi thế giới là 34 tuổi. |
Gen Y (những người sinh năm 1981 đến 1996) là nhóm dẫn đầu về lượt đăng ký khóa học GenAI tại Việt Nam với 61%. Theo sau là Gen Z với 27% và Gen X là 11%.
Những khóa học GenAI được nhiều người Việt quan tâm như Supervised Machine Learning: Regression & Classification của Đại học Stanford; AI for Everyone của tổ chức giáo dục công nghệ DeepLearning.AI hay Python for Data Science, AI & Development của Tập đoàn IBM...
Tuy nhiên, báo cáo kỹ năng toàn cầu của Coursera cho thấy Việt Nam xếp thứ 67 về mức độ trưởng thành AI. Ông Greg Hart, Giám đốc điều hành của Coursera cho rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách này, và học tập trực tuyến là một trong những cách tốt nhất để giúp thu hẹp khoảng cách đó.
Có thể thấy, ứng dụng AI vào giáo dục đã và đang mang đến “làn gió mới” cho nhiều cơ sở đào tạo khi sinh viên được khuyến khích sáng tạo, mở rộng kiến thức và giảng viên cũng có góc nhìn cởi mở hơn trong việc đánh giá, giảng dạy.
Đặc biệt, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, tích hợp học trực tuyến vào hệ thống giáo dục chính quy và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang là một xu hướng tất yếu, được nhiều trường đại học tại Việt Nam triển khai mạnh mẽ.
Tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, từ năm 2022 đến nay, sinh viên được phép sử dụng AI, cụ thể là ứng dụng Chat GPT hỗ trợ việc lên ý tưởng, làm bài tập, soạn thảo văn bản, viết báo cáo… Việc sử dụng công nghệ đúng cách giúp nhiều sinh viên khắc phục được điểm yếu trong trình bày văn bản, thể hiện nội dung, ghi nhận kết quả khả quan với lượng công sức bỏ ra ít hơn.
Ông Phan Trường Lâm - Trưởng ban Công nghệ khối giáo dục FPT cho rằng, trong thế giới không ngừng thay đổi, khả năng tự học và học liên tục trở thành chìa khóa giúp mỗi người giữ vững năng lực cạnh tranh.
“Việc tích hợp công nghệ AI, các khóa học trên Coursera – với phụ đề tiếng Việt và công nghệ AI hỗ trợ – không chỉ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận tri thức quốc tế mà còn được công nhận tín chỉ, tạo giá trị thiết thực trên hành trình phát triển bản thân và nghề nghiệp.” – ông nhấn mạnh.
Các sáng kiến của Coursera hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của Chính phủ Việt Nam, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, ứng dụng khoa học công nghệ, AI không chỉ là xu hướng mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Đây chính là động lực để các trường đại học trong nước nhanh chóng đổi mới phương pháp, nâng cấp, cải tiến, bổ sung chương trình đào tạo; khẩn trương chuẩn bị một đội ngũ nhân lực quản lý, giảng dạy có đủ năng lực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57.
Trước đó, tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, để Việt Nam sớm thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đề xuất "bình dân AI vụ" bằng cách đưa AI vào chương trình đào tạo giáo dục từ lớp 1.
Lãnh đạo FPT đề nghị "nhanh nhất có thể" để đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. "Chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước", ông nói và nhận định việc này sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy, trong đó việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo nghiên cứu của Google, nếu được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, AI có thể mang lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1,89 triệu tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030
Hồng Hương