Trong bài phân tích mới nhất, TS James Kang cho rằng ngành công nghệ Việt Nam đang đối mặt với thử thách lớn nhất từ trước đến nay. Kể từ khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế 46% đối với một số mặt hàng công nghệ chủ lực của Việt Nam (dù hiện đang tạm hoãn 90 ngày để phục vụ đàm phán thương mại), toàn ngành đã lập tức gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Với một quốc gia đang từng bước xây dựng vị thế vững chắc trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn, việc tăng chi phí đột ngột này là một cú sốc lớn. Dù phần nào dự đoán được trước thì đây vẫn là một thách thức nghiêm trọng.
Các mức thuế mới khiến những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam như điện thoại và chip bán dẫn, bao gồm cả chip của Intel, trở nên kém cạnh tranh hơn tại Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất.
![]() |
Tiến sĩ James Kang, giảng viên cấp cao ngành Khoa học máy tính tại RMIT Việt Nam, cho thấy vì sao cú sốc thuế quan lần này không chỉ là rủi ro, mà còn có thể trở thành cơ hội chiến lược để Việt Nam tái định hình vị thế công nghệ trong khu vực. |
Vị chuyên gia cho rằng thách thức này có thể trở thành bước ngoặt. Việt Nam cam kết chặn dòng hàng hóa Trung Quốc đội lốt xuất xứ qua lãnh thổ mình là một bước đi mang tính chiến lược nhằm giảm căng thẳng thương mại và thể hiện thiện chí với các chính sách của chính quyền Trump.
Không ngồi yên chịu trận, nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước đang nhanh chóng thích ứng bằng cách chuyển hướng sang các công nghệ thông minh, đầu tư vào phần mềm và dịch vụ số, đồng thời tìm kiếm thị trường mới ngoài các kênh truyền thống để tồn tại và giảm thiểu tác động tiêu cực.
Khi chi phí lao động tăng cao và môi trường thương mại ngày càng khó lường, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Đây không chỉ là những công nghệ mang tính xu hướng, mà còn là giải pháp thực tiễn.
Đơn cử như FPT đã đầu tư 174 triệu đô la Mỹ xây dựng trung tâm AI và tiếp tục rót thêm 200 triệu USD vào một cơ sở sản xuất công nghệ cao. Trọng tâm của họ bao gồm phát triển phần mềm, an ninh mạng và AI tạo sinh thế hệ mới. Dù không phải doanh nghiệp nào cũng sở hữu nguồn lực tương tự, xu hướng này đang lan rộng: tận dụng công nghệ thông minh để cắt giảm chi phí, tăng năng suất và giữ được tính linh hoạt trong một thế giới chuyển động không ngừng.
"Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sang mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng tự động hóa với các công nghệ như robot, cảm biến Internet vạn vật và phân tích dữ liệu để sản xuất nhanh và chính xác hơn", chuyên gia cho biết. Một số công ty còn cung cấp dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ các doanh nghiệp khác hiện đại hóa vận hành. Với các công cụ như Internet vạn vật, nhà máy có thể giám sát tiêu thụ điện năng, phát hiện lỗi theo thời gian thực và điều khiển máy móc từ xa.
Những công nghệ này đang giúp Việt Nam từng bước vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, chuyển đổi luôn đi kèm với thách thức. TS James Kang gợi ý doanh nghiệp đầu tư đào tạo nhân lực, nâng cấp công nghệ và thay đổi tư duy. “Với nhiều công ty, đây là lựa chọn duy nhất để lên phía trước”, ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng gợi ý, biên giới công nghệ tiếp theo của Việt Nam chính là các dịch vụ số. Những sản phẩm như điện toán đám mây, phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) và ứng dụng di động không chịu tác động từ thuế quan như hàng hóa vật lý.
Ông lấy ví dụ về VNG. Vốn được biết đến là một doanh nghiệp game và ứng dụng dành cho thiết bị di động, VNG hiện chuyên cung cấp các dịch vụ đám mây toàn cầu. Kinh doanh các sản phẩm kỹ thuật số giúp doanh nghiệp này vượt qua rào cản thuế quan, vươn mình ra quốc tế và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.
Sự chuyển dịch này phản ánh một xu thế lớn hơn. Việt Nam đang từng bước thoát khỏi vị thế "công xưởng giá rẻ" và tiến tới trở thành một lực lượng sáng tạo và kỹ thuật số trên sân khấu toàn cầu, trong khi những ngành sản xuất có giá trị thấp hơn đang dần dịch chuyển sang các quốc gia đang phát triển khác như Sri Lanka, theo giảng viên Đại học RMIT Việt Nam.
Việt Nam cũng đang tìm hiểu những hướng xuất khẩu mới. Các hiệp định như CPTPP, EVFTA và RCEP đã mở rộng cánh cửa tới các thị trường như Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu và các nước láng giềng trong khu vực châu Á. Những thỏa thuận này giúp Việt Nam phân tán rủi ro, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Với các doanh nghiệp công nghệ, điều này đồng nghĩa với sự ổn định cao hơn và cơ hội tăng trưởng bền vững hơn.
Cùng với đa dạng hóa thương mại, Chính phủ và khu vực tư nhân đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo sâu hơn. Các sáng kiến như Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025 (AISC 2025) đặt mục tiêu tăng tốc nghiên cứu trong lĩnh vực AI và công nghệ bán dẫn – hai trụ cột then chốt nếu Việt Nam muốn duy trì năng lực cạnh tranh. Việc chuyển đổi từ sản xuất biên lợi nhuận thấp sang thiết kế và đổi mới có giá trị cao là một hành trình không dễ dàng. Việc này đòi hỏi thời gian, con người và vốn. Dẫu vậy khát vọng đang tăng cao và nguồn đầu tư cũng vậy.
Bức tranh công nghệ Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng và đến lúc cần những nét cọ táo bạo giúp toàn cảnh bừng sáng. Chuyên gia cho rằng Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô. Trường học và các trường đại học phải trang bị cho các bạn trẻ kỹ năng số để họ sẵn sàng cho những công việc của tương lai.
Đối với các nhà đầu tư, thông điệp đã rất rõ: doanh nghiệp khởi nghiệp và các dịch vụ kỹ thuật số Việt Nam có tiềm năng thực sự vươn ra toàn cầu.
Đỗ Kiều