“Cơ hội phát triển một nền kinh tế dẫn dắt bởi AI tại Việt Nam rất lớn. AI được dự báo có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 1,89 triệu tỷ đồng (tương đương 79,3 tỷ USD) vào năm 2030, tương đương gần 12% GDP của Việt Nam. Việt Nam không chỉ theo kịp xu hướng AI toàn cầu mà còn đang dẫn đầu, với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp AI tăng hơn 4,5 lần kể từ năm 2021”. Nhận định của ông Marc Woo, Giám đốc Điều hành, Google Việt Nam chia sẻ tại sự kiện diễn ra hôm 18/6 cho thấy bức tranh đầy hứa hẹn của nền kinh tế AI tại Việt Nam.
Cơ hội và “mối lo” từ AI
![]() |
AI có thể mang lại hàng trăm tỷ USD giá trị kinh tế, nhưng cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết về nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động. |
Cách đây một tuần, báo cáo Nền kinh tế AI của Việt Nam được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và tập đoàn Boston Consulting Group (BCG) công bố cũng ước tính, đến năm 2040, AI sẽ trở thành yếu tố cốt lõi trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp từ 120 - 130 tỷ USD.
Trong đó, 45 - 55 tỷ USD được tạo ra thông qua nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ có ứng dụng AI, 60 - 75 tỷ USD là chi phí có thể tiết kiệm được do tăng năng suất thông qua tự động hóa, phân tích dự báo và cải thiện hiệu suất nhờ sử dụng công nghệ AI.
Hệ sinh thái AI tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, với hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh như Viettel, FPT, VNPT, Vingroup cùng các startup năng động. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam năm 2024 đã đạt khoảng 52 tỷ USD, dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tới.
Tại báo cáo phân tích tác động của các công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo và nền tảng số kỹ thuật số ở Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) do các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, việc ứng dụng công nghệ mới đang cải thiện năng suất của doanh nghiệp và thay đổi cơ hội việc làm.
Theo đó, tiến bộ về công nghệ dẫn đến việc tiết kiệm lao động, do đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm và mức lương. Tùy thuộc vào tác động cụ thể của công nghệ với các nhóm tuổi, giới tính, kỹ năng và tình trạng công việc mà có thể làm trầm trọng hóa hoặc cải thiện tình trạng bất bình đẳng trên thị trường lao động.
Tác động của AI đến thị trường lao động
Các chuyên gia của WB chỉ ra, vẫn còn quá sớm để ước tính được những ảnh hưởng của việc triển khai AI lên thị trường lao động khu vực, tuy nhiên những bằng chứng ban đầu cho thấy đang có những tác động kép.
Một mặt, AI hỗ trợ những công việc cần tương tác xã hội, sáng tạo hoặc chiến lược bắt buộc phải được đảm nhiệm bởi con người (ví dụ như giáo viên, nhà phân tích tài chính). Mặt khác, các công việc trí óc lặp đi lặp lại, đòi hỏi tối ưu hoá theo chuẩn mực và hạn chế tương tác xã hội đang dần bị thay thế (ví dụ như chuyên viên đánh giá rủi ro).
Các chuyên gia ước tính tại các nước trong khu vực, chỉ khoảng 10% công việc có thể tận dụng AI để hỗ trợ con người - khá khiêm tốn so với mức 30% ở các nước phát triển.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra, việc chịu tác động của AI tỷ lệ nghịch với mức thu nhập ở hầu hết các nước EAP (trong đó có Việt Nam). Điều này cho thấy những ngành nghề có mức lương thấp hơn, do bản chất của công việc (lặp đi lặp lại, ít tương tác xã hội,...), sẽ chịu tác động cao hơn.
Thảo luận với các chuyên gia WB trong hội thảo trực tuyến hôm 18/6, bà Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành Quỹ Vinfuture cho biết, tự động hóa, ứng dụng robot trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp không còn là điều mới tại Việt Nam. Tự động hóa và AI đã tiếp quản những công việc mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại.
“Ở VinFast đang sử dụng trên 1.000 robot công nghiệp, chủ yếu thực hiện các công đoạn là sơn và hàn, thay thế cho các lao động giản đơn”. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra các công việc hoàn toàn mới, như hiệu chỉnh robot hay lập trình và duy tu bảo trì. “Tiền lương của các công việc mới cao hơn nhiều so với các công việc giản đơn”, bà Lê Thái Hà cho biết.
![]() |
Bà Lê Thái Hà thảo luận cùng bà Stephanie Sy, Nhà sáng lập và CEO Thinking Machines (Philippines) và ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB. |
Không chỉ VinFast, các nhà máy Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên đang sử dụng hơn 100.000 lao động nhưng quy trình tự động hóa liên tục được tăng cường. Thay vì cắt giảm việc làm, Samsung chuyển sang gia tăng kỹ sư và công nhân kỹ thuật cao. Hiện nay họ đang phối hợp với các cơ sở trong nước đẩy mạnh đào tạo nhân lực lĩnh vực robot và tự động hóa.
“Hoạt động trong những ngành như logistics, thương mại điện tử hay fintech cũng đã thay đổi. Về tác động đối với việc làm, chúng tôi tin rằng vẫn đang tích cực, chừng nào mà người lao động có thể cải thiện được kỹ năng của mình và đào tạo cao hơn”, bà Lê Thái Hà nhận định
Đẩy mạnh “chuyển đổi con người”
Theo khuyến cáo của WB, các quốc gia cần trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng nâng cao, đáp ứng yêu cầu của công nghệ dựa trên AI.
“Kỹ năng số sẽ giúp mọi người tham gia vào nơi làm việc ngày càng số hóa, sử dụng các thiết bị, ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số. Các kỹ năng xã hội và cảm xúc sẽ giúp con người có lợi thế hơn so với máy móc trong các công việc liên quan đến tương tác xã hội, từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe”, báo cáo chỉ ra.
Có thể thấy, AI đang mở ra “cánh cửa vàng” cho Việt Nam vươn lên mạnh mẽ về kinh tế nhưng đi kèm đó là áp lực phải chuyển đổi nhanh chóng.
Chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ mà quan trọng nhất là chuyển đổi con người. Do đó “hoạch định chính sách ngày càng trở nên quan trọng hơn”, theo bà Lê Thái Hà.
Ngày 14/6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành đạo luật riêng về lĩnh vực này. Luật đã đề cập đến việc đào tạo toàn diện, nâng cao tất cả kỹ năng lao động từ kỹ năng số đến kỹ năng cảm xúc, kỹ năng xã hội cho người trẻ.
Đó là một ví dụ cho thấy Việt Nam đang có những đường lối chính sách rõ ràng về phát triển khoa học công nghệ, hướng đến chuyển đổi số mạnh mẽ cho nền kinh tế. Một lực lượng lao động thích ứng nhanh, hệ thống đào tạo hiệu quả và chính sách linh hoạt sẽ là điều kiện để đi đến thắng lợi trong kỷ nguyên AI.
Đỗ Kiều