Vùng DTTS&MN sở hữu những lợi thế so sánh mà nhiều vùng khác không có được. Đó là sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán, là kho tàng tri thức bản địa quý báu về nông nghiệp, y học, thủ công mỹ nghệ…
Đánh thức người khổng lồ đang ngủ quên
Chính những tiềm năng và lợi thế này, khi được khơi dậy và khai thác một cách sáng tạo, đã trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các địa phương. Thay vì chỉ dựa vào phương thức sản xuất truyền thống, nhiều cộng đồng đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm tòi những hướng đi mới, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng.
Sự đổi mới sáng tạo ở vùng DTTS&MN không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn lan tỏa đến các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Trong nông nghiệp, nhiều địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ, tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng.
Điển hình như các mô hình HTX trồng cây dược liệu quý hiếm ở Lào Cai, Yên Bái; HTX phát triển các loại trái cây đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP ở Sơn La, Lạng Sơn; hay HTX chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm bản địa theo hướng hàng hóa ở Tây Nguyên.
![]() |
HTX du lịch Nậm Hồng đang khai thác khá hiệu quả tiềm năng bản địa để phát triển kinh tế du lịch. |
Trong lĩnh vực du lịch, thay vì khai thác du lịch một cách tự phát, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển HTX du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên. Những homestay độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa, những trải nghiệm khám phá phong tục tập quán, thưởng thức ẩm thực địa phương của các HTX đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Các mô hình du lịch của các HTX ở Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên đã trở thành những điểm đến hấp dẫn nhờ cách tiếp cận du lịch sáng tạo này.
Bên cạnh đó, sự đổi mới sáng tạo còn thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương đã xây dựng các trang web, sàn giao dịch điện tử để quảng bá và bán các sản phẩm đặc trưng của vùng, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đơn cử, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng "Chợ sản phẩm trực tuyến" - một nền tảng thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối hiệu quả, giúp đồng bào DTTS&MN tiêu thụ nông, lâm, thổ sản độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Điểm nhấn tiềm năng du lịch cộng đồng Hà Giang
Là một trong những vùng đồng bào DTTS&MN, Hà Giang đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ tinh thần đổi mới sáng tạo và việc khai thác hiệu quả những lợi thế đặc thù. Trong hành trình đó, các HTX đã và đang khơi dậy tiềm năng bản địa, kiến tạo sinh kế bền vững và góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Một trong những lợi thế nổi bật của Hà Giang chính là sự đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, tạo tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Tiêu biểu là HTX Du lịch Cộng đồng Nậm Hồng (huyện Hoàng Su Phì). Ngay việc lấy tên Nậm Hồng là tên thôn của đồng bào Dao đỏ, thể hiện sự gắn kết với cộng đồng và địa danh của địa phương.
Để tận dụng thế mạnh bản địa, các thành viên HTX cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà sàn truyền thống của người Dao đỏ, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống và văn hóa bản địa. HTX cũng tổ chức các hoạt động như tham quan các nghi lễ truyền thống, tìm hiểu nghề làm thuốc nam, dệt vải, nhuộm chàm, nấu ăn các món đặc sản của người Dao đỏ.
![]() |
Phụ nữ Mông ở Hà Giang không chỉ phát triển du lịch mà còn xuất khẩu được thổ cẩm thông qua mô hình HTX. |
Không dừng lại ở đó, HTX Nậm Hồng còn tổ chức dịch vụ trekking và khám phá những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, những khu rừng nguyên sinh và các thác nước đẹp của vùng Hoàng Su Phì. Việc phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu bản địa cũng là điểm đặc sắc trong dịch vụ của HTX.
Còn tại HTX Đồng Quê (thành phố Hà Giang) đã phát triển homestay tại Làng văn hóa du lịch thôn Hạ Thành để cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà sàn truyền thống của người Tày. Các dịch vụ của HTX cũng mang đậm dấu ấn bản địa như: Phục vụ các món ăn truyền thống của người Tày được chế biến từ nguyên liệu địa phương; tổ chức các buổi biểu diễn hát Then, đàn Tính, múa Tày phục vụ du khách; tổ chức các tour đi bộ, xe máy tham quan các thôn vùng cao lân cận, khám phá cảnh quan thiên nhiên và đời sống của người dân. Ngoài ra, HTX còn thực hiện dịch vụ may, thêu các sản phẩm thổ cẩm, đan lát các sản phẩm từ tre, nứa làm quà lưu niệm.
Có thể thấy, chỉ riêng trong mảng du lịch cộng đồng, các HTX ở Hà Giang đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, trở thành "nhịp cầu" kết nối những giá trị văn hóa, cảnh quan với nhu cầu khám phá của du khách. Nhiều HTX đã tiên phong xây dựng các homestay mang đậm bản sắc dân tộc, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên và cộng đồng địa phương, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
An sinh xã hội được đảm bảo
Hà Giang chỉ là một trong những địa phương điển hình trong việc tận dụng tiềm năng thế mạnh bản địa để phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Đặc biệt, sự tham gia của các HTX là minh chứng cho việc sức mạnh bản địa khi được tổ chức và phát huy một cách bài bản, có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang lại lợi ích kinh tế và góp phần bảo tồn văn hóa cho cộng đồng địa phương. HTX không chỉ là những đơn vị kinh doanh mà còn là những người "kể chuyện văn hóa" chân thực và đầy đam mê.
Các HTX vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu hàng đầu của các địa phương vùng DTTS&MN. Nhờ những thành quả kinh tế đạt được trong quá trình phát triển, các HTX ở các ngành nghề có thế mạnh, nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, văn hóa… của các địa phương ngày càng được tăng cường.
Như HTX Đồng Quê, việc phát triển dịch vụ homestay, ăn uống và các hoạt động văn hóa đã tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân thôn Hạ Thành. Sự phát triển này tạo động lực để địa phương cải thiện giao thông đi lại trong thôn, đảm bảo an ninh trật tự. Và cũng từ sự hiệu quả của HTX, địa phương đã quan tâm đến nhu cầu sử dụng điện, hỗ trợ vấn đề điện lưới ổn định hơn.
Còn tại HTX Du lịch sinh thái Hồ Thầu, với việc xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái và tổ chức các tour khám phá thiên nhiên, HTX này thu hút du khách đến với vùng Hồ Thầu. Sự phát triển du lịch của HTX thúc đẩy địa phương cải thiện đường giao thông. Về lâu dài, sự phát triển kinh tế từ du lịch của HTX còn đóng góp vào ngân sách địa phương để đầu tư vào các công trình công cộng như trường học và trạm y tế.
Như vậy, sự thành công của các HTX du lịch ở Hà Giang có tác động trực tiếp và gián tiếp rất lớn đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng của địa phương.
Bên cạnh đó, những câu chuyện truyền cảm hứng về sự đổi mới sáng tạo và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã minh chứng một điều, ở đâu có sự hỗ trợ của chính quyền trong phát triển HTX, cùng với sự cần cù, chịu khó của người dân thì ở đó cái nghèo sẽ bị đẩy lùi lại phía sau. Đơn cử như câu chuyện của những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã biến những sản phẩm thổ cẩm truyền thống thành những món đồ thời trang hiện đại, được thị trường đón nhận thông qua HTX lanh Lùng Tám (huyện Quản Bạ). Hay như câu chuyện của những thanh niên người Mông ở Lào Cai đã ứng dụng công nghệ để quảng bá du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến với bản làng thông qua HTX Nông nghiệp và Du lịch Mường Bo (Sa Pa). Đó còn là câu chuyện của những nông dân ở Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cải thiện đáng kể đời sống gia đình như HTX Dứa bản Pu Lau (huyện Điện Biên), HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Điện Biên (TP. Điện Biên Phủ)…
Những câu chuyện này là minh chứng sống động cho thấy rằng, với sự đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước và các tổ chức, người dân vùng DTTS&MN hoàn toàn có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, vượt qua khó khăn, vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.
Tùng Lâm