Tri Tôn là huyện miền núi duy nhất của tỉnh An Giang, nằm giáp biên giới Campuchia, nơi có cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống lâu đời. Câu chuyện chuyển đổi sản xuất và ứng dụng công nghệ số nơi đây đang mở ra hướng đi mới cho một vùng đất từng nghèo khó.
Từ chân núi đến nông trại số
Trước kia, đồng bào Khmer ở Tri Tôn chủ yếu canh tác lúa mùa, làm rẫy hoặc trồng cây ăn trái quy mô nhỏ, sản xuất tự cung tự cấp là chính nên hiệu quả kinh tế bấp bênh.
Mãi đến những năm gần đây, nhờ các chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập huấn kỹ thuật, và đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử, bức tranh nông nghiệp Tri Tôn, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số miền núi đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.
![]() |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa giúp người Khmer ở Tri Tôn đổi đời. |
Anh Chau Sóc Phia, người dân tộc Khmer, chủ một mô hình trồng xoài keo và mãng cầu xiêm tại xã An Tức, cho biết: “Trước đây, mình chỉ bán cho thương lái, lời lãi thất thường. Giờ mình biết livestream trên Facebook, quay video giới thiệu vườn, có khách tận Cần Thơ, TP.HCM đặt mua về làm quà”.
Anh Phia cũng là một trong những nông dân đầu tiên ở vùng núi Tri Tôn biết đến sàn thương mại điện tử Postmart và Voso. “Đăng lên mấy sàn đó cũng dễ, có cán bộ huyện hướng dẫn tận tình, giờ đơn hàng nhiều khi về ầm ầm, hiệu quả kinh tế cũng từ đó tăng lên đáng kể”, anh cười khoe.
Theo đại diện ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn, từ năm 2022 đến nay, huyện đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và các nền tảng số để tập huấn kỹ năng thương mại điện tử, kỹ thuật số cơ bản cho hơn 500 lượt nông dân, trong đó phần lớn là người dân tộc Khmer.
Đáng chú ý, huyện không chỉ tập trung các khâu hướng dẫn người dân cách dùng điện thoại thông minh, mà còn dạy cách chụp ảnh sản phẩm, viết mô tả, tạo gian hàng online… Đến nay, gần 100 hộ dân đã có sản phẩm đăng bán trên sàn, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Khi HTX vùng núi… lên mạng
Bên cạnh các hộ cá thể, mô hình HTX cũng bắt đầu thể hiện vai trò hạt nhân trong chuyển đổi số ở Tri Tôn. Một ví dụ điển hình là HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Phú ở xã Lương Phi, nơi quy tụ gần 30 hộ Khmer chuyên trồng chuối, mít và các loại cây bản địa.
Ông Chau Thanh Ri, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Ban đầu bà con còn e ngại, tưởng lên mạng bán hàng là chuyện xa xôi lắm. Nhưng khi thấy có hộ bán được vài triệu mỗi tháng qua mạng, ai cũng muốn học theo”.
Sau thời gian xây dựng không gian bán hàng trên mạng internet, HTX hiện nay đã có trang fanpage riêng, kết nối với các đơn vị vận chuyển để giao hàng tận nhà. “Có ngày, chúng tôi gói cả trăm ký chuối, mít non gửi về Cần Thơ, Bình Dương. Trước đây chỉ bán cho thương lái, giờ chủ động hơn, giá tốt hơn”, đại diện HTX chia sẻ
Không chỉ có nông sản tươi, một số sản phẩm chế biến thô như chuối sấy, trà mãng cầu, mắm cá linh… cũng đang được xúc tiến xây dựng thương hiệu, bao bì và tiêu chuẩn chất lượng để dễ dàng tiếp cận thị trường online. Sắp tới, HTX sẽ liên kết với một doanh nghiệp ở TP.HCM để bán combo nông sản sạch miền núi Tri Tôn.
![]() |
Vào HTX, tổ hợp tác giúp nông dân Tri Tôn có thêm điểm tựa sản xuất, làm giàu. |
Từ những HTX đầu tiên này, chính quyền huyện Tri Tôn đang từng bước nhân rộng mô hình, lồng ghép các chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật với hướng dẫn ứng dụng công nghệ số.
Từ thành công của các HTX, tổ hợp tác không thể không kể đến những đóng góp tích cực thông qua các chương trình hỗ trợ, đồng hành từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Tri Tôn.
Cụ thể, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên HTX trên địa bàn huyện Tri Tôn nói riêng và tại tỉnh An Giang nói chung, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh An Giang đã tích cực tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về quản lý kinh tế, quản trị HTX, kỹ năng sản xuất, marketing và xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, trong tháng 4/2025, Liên minh HTX tỉnh An Giang đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực phát triển kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ quản lý tại huyện An Phú.
Chuyển đổi tư duy, mở đường phát triển bền vững
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh An Giang cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho các sản phẩm của HTX.
Thông qua các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế, các HTX ở Tri Tôn có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Liên minh HTX các cấp cũng là cầu nối giữa HTX với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh An Giang đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX tại huyện Tri Tôn. Sự hỗ trợ toàn diện này không chỉ giúp các HTX vững mạnh mà còn đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ở vùng đất từng được xem là “rốn nghèo” của An Giang, sự chuyển biến trong tư duy sản xuất của người dân tộc thiểu số là điều đáng ghi nhận. Từ chỗ bị động trong sản xuất, người dân Khmer ở Tri Tôn nay đã biết chủ động chọn giống phù hợp với nhu cầu thị trường, đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm, và đặc biệt là học cách đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ bằng công nghệ.
Một điểm thuận lợi nữa là Tri Tôn hiện có hạ tầng mạng internet phủ khắp 15/15 xã, thị trấn. Nhờ đó, việc tiếp cận công nghệ không còn là rào cản lớn. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ địa phương, để quá trình chuyển đổi số bền vững, cần có thêm nguồn lực hỗ trợ đầu ra, logistics, và nhất là xây dựng niềm tin với thị trường.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hành trình chuyển mình của đồng bào Khmer ở Tri Tôn – từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từ bán tại chợ quê lên các sàn thương mại điện tử – đang mở ra một tương lai mới. Đó không chỉ là câu chuyện của thu nhập, mà còn là niềm tin và sự đổi thay trong tư duy người nông dân vùng miền núi, vùng sâu vủng xa.
Nam Phong