Từ bao đời nay, vùng cao Việt Nam luôn ẩn chứa những giá trị độc đáo về văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Nơi đây sản sinh ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Tuy nhiên, rào cản về địa lý, giao thông và thông tin thị trường đã khiến những sản phẩm này khó khăn trong việc tìm đến tay người tiêu dùng trên khắp cả nước, làm hạn chế giá trị kinh tế thực sự của chúng.
Hơn cả một sàn thương mại điện tử
Sự xuất hiện của các chợ sản phẩm trực tuyến, mà vcamart.vn là một ví dụ tiêu biểu, đã tạo ra một bước đột phá. Nền tảng này không chỉ xóa bỏ những giới hạn về không gian và thời gian, mà còn kiến tạo một cầu nối trực tiếp giữa người sản xuất vùng cao và người tiêu dùng trên toàn quốc. Vcamart.vn không đơn thuần là một sàn giao dịch điện tử, mà còn là nơi để kể những câu chuyện về sản phẩm, về con người và văn hóa vùng cao, từ đó xây dựng niềm tin và giá trị bền vững.
Trước đây, các sản phẩm của bà con đồng bào DTTS và miền núi thường chỉ được tiêu thụ tại địa phương hoặc các vùng lân cận, với số lượng hạn chế và giá cả phụ thuộc nhiều vào thương lái. Vcamart.vn ra đời được xác định là sẽ giúp thay đổi điều này bằng cách đưa sản phẩm lên môi trường trực tuyến, tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng trên khắp cả nước. Người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và mua sắm các đặc sản vùng cao chỉ với vài thao tác đơn giản.
Chợ trực tuyến Vcamart.vn được các chuyên gia đánh giá không chỉ đơn thuần là nơi niêm yết giá và bán hàng mà nền tảng này chú trọng xây dựng hồ sơ sản phẩm chi tiết, cung cấp thông tin minh bạch về nguồn gốc, quy trình sản xuất, các chứng nhận chất lượng (nếu có) và đặc biệt là những câu chuyện văn hóa gắn liền với sản phẩm. Điều này giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn giá trị thực của sản phẩm, trân trọng công sức của người sản xuất và sẵn sàng chi trả mức giá xứng đáng.
![]() |
Hàng hóa trên sàn vcamart.vn được sắp xếp theo nhóm để thuận tiện cho việc mua-bán. |
Với hệ thống đánh giá và phản hồi từ người mua được tích hợp, vcamart.vn tạo ra một môi trường mua bán minh bạch. Những phản hồi tích cực sẽ củng cố uy tín của các HTX làm ra sản phẩm, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác sản xuất nâng cao chất lượng và dịch vụ. Ngược lại, những phản hồi tiêu cực sẽ là cơ sở để người sản xuất cải thiện và hoàn thiện hơn về sản phẩm và dịch vụ.
Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng thường mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Do đó, khi vcamart.vn ra đời và đi vào hoạt động sẽ trở thành một kênh hiệu quả để quảng bá những giá trị này đến đông đảo công chúng, góp phần bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa của các DTTS. Mỗi sản phẩm được bán ra không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là một sứ giả văn hóa hữu hiệu.
Sự phát triển của chợ trực tuyến vcamart.vn và các hoạt động kinh doanh trực tuyến liên quan sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới tại địa phương, từ khâu sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến quản lý gian hàng và marketing trực tuyến. Điều này góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững.
Việc tham gia vào vcamart.vn đòi hỏi người dân, HTX và các tổ chức kinh tế địa phương phải tiếp cận và làm quen với công nghệ số. Quá trình này không chỉ giúp họ bán được hàng mà còn nâng cao kỹ năng số, mở ra những cơ hội học tập và phát triển trong kỷ nguyên số.
HTX sẽ "bén rễ" và phát triển nhờ vcamart.vn
Đại diện một HTX chế biến thủy sản ở Hậu Giang cho biết không ít nông dân, HTX dù có sản phẩm tốt nhưng lại đang gặp khó khăn khi đưa sản phẩm lên các sàn online. Do đó, vcamart.vn là cánh cửa phù hợp cho các mô hình kinh tế tập thể tháo gỡ rào cản và mở rộng đầu ra giữa cho các HTX trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Việc có mặt trên vcamart.vn tạo cơ hội để các HTX xây dựng thương hiệu, giới thiệu câu chuyện sản phẩm và tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (Tây Hòa, Phú Yên) có sản phẩm rượu tằm đạt giải thưởng và đây được xem là cơ hội để sản phẩm của HTX có mặt trên sàn vcamart.vn khi sàn này chính thức đi vào vận hành.
HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (Phú Hòa, Phú Yên) cũng có nhiều sản phẩm đang được bán trên các kênh thương mại điện tử và việc vcamart.vn ra đời với những ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể sẽ là cơ hội để HTX tiếp tục tham gia vào "sân chơi lớn".
![]() |
Chợ trực tuyến được nhiều HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi kỳ vọng mang lại hiệu quả trong quảng bán tiêu thụ hàng hóa. |
Có thể thấy, chợ trực tuyến vcamart.vn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo HTX. Các sản phẩm đặc trưng của người dân, HTX ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Bởi theo đại diện của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam), ngay trong thời gian xây dựng, vận hành thử nghiệm sàn vcamart.vn đã phát sinh đơn và có shipper đến lấy hàng.
Điều này cho thấy, dù mới ra mắt nhưng chợ trực tuyến này đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây cũng là một minh chứng sinh động cho thấy tiềm năng to lớn của các chợ trực tuyến này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hướng tới phát triển bền vững
Để vcamart.vn và các mô hình chợ trực tuyến tương tự phát triển bền vững và nhân rộng thành công, các chuyên gia của Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, đào tạo về thương mại điện tử, đặc biệt tập trung vào việc sử dụng hiệu quả các nền tảng như vcamart.vn cho người dân, HTX vùng đồng bào DTTS. Nội dung đào tạo cần thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của người dân địa phương, bao gồm kỹ năng đăng sản phẩm, quản lý đơn hàng, thanh toán trực tuyến, chăm sóc khách hàng và marketing cơ bản trên mạng.
Việc đảm bảo kết nối internet ổn định và phủ sóng rộng khắp là yếu tố then chốt cho sự phát triển của thương mại điện tử ở vùng cao. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng viễn thông, đồng thời hỗ trợ người dân tiếp cận các thiết bị công nghệ cần thiết.
Ngay như một số HTX có sản phẩm thủy sản chế biến, sản phẩm đông lạnh dù kỳ vọng rất nhiều vào việc đưa những mặt hàng này lên sàn vcamart.vn nhưng các thành viên HTX cũng mong rằng sàn có cơ chế, phương án cụ thể với các đơn vị vận chuyển để những sản phẩm đông lạnh có thể tiêu thụ thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo quản, từ đó không làm giảm chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Mộng (Công ty Sorimachi Việt Nam), cho rằng vcamart.vn hoàn toàn hoạt động hiệu quả và chất lượng nếu tích hợp thêm các phần mềm quản lý chi phí, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng. Việc này không chỉ tối ưu hóa hoạt động của sàn mà còn giúp nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh cho các HTX.
Đi liền với đó, cần có các chương trình hỗ trợ các HTX, tổ nhóm sản xuất xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo cho sản phẩm của mình trên vcamart.vn. Hỗ trợ về thiết kế hình ảnh, video sản phẩm chuyên nghiệp, cũng như các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trên nền tảng và các kênh truyền thông khác để tăng khả năng tiếp cận khách hàng.
Song song đó, cần đa dạng hóa các phương thức thanh toán trực tuyến trên vcamart.vn, đảm bảo tính tiện lợi và an toàn cho cả người mua và người bán.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vcarmat.vn ngoài các quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ trên sàn, cần có cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của cả người mua và người bán, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sàn thương mại điện tử này trên thị trường.
Có thể thấy, vcamart.vn không chỉ là một chợ trực tuyến mà còn là biểu tượng cho sự vươn lên mạnh mẽ của kinh tế vùng cao trong kỷ nguyên số. Với những lợi ích thiết thực cùng với sự chung tay của cộng đồng và những giải pháp đồng bộ, vcamart.vn hứa hẹn sẽ là cầu nối vững chắc, chắp cánh cho những sản phẩm độc đáo của người dân, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn xa, góp phần khơi dậy tiềm năng kinh tế bền vững và nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Sự phát triển của vcamart.vn không chỉ là câu chuyện về thương mại điện tử, mà còn là câu chuyện về bảo tồn văn hóa, về sự đổi mới và khát vọng vươn lên của những vùng đất giàu truyền thống.
Tùng Lâm