Những ai đã từng đến Bá Thước, đặc biệt là đến với Son - Bá - Mười, Kho Mường, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Thành Sơn… mới thấy tạo hóa đã ưu ái mảnh đất này nhiều đến nhường nào. Địa hình cộng với bàn tay và khối óc đầy sức sáng tạo trong lao động của người dân nơi đây đã tạo ra những ruộng bậc thang nằm lọt trong các thung núi, tạo nên những bức tranh có sức lôi cuốn kỳ lạ.
Hiệu quả làm nghề du lịch
Cùng với thiên nhiên, lịch sử hình thành đã tạo cho Bá Thước một nguồn tư liệu về văn hóa đa sắc màu. Huyện có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 47,5%, dân tộc Thái chiếm 37,5%. Nhiều thôn, bản người Thái, người Mường vẫn giữ được không gian văn hóa đặc trưng, tạo nền tảng cho việc xây dựng sản phẩm du lịch.
![]() |
Du lịch cộng đồng tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động thiểu số địa phương. |
Để từng bước phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, những năm qua, huyện Bá Thước đã chú trọng xây dựng các quy hoạch khu du lịch Son - Bá - Mười, khu du lịch thác Muốn, cùng nhiều điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, năm 2019, bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Kho Mường, bản Báng (xã Thành Sơn), thác Hiêu (xã Cổ Lũng) đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch đến huyện giai đoạn 2015 - 2020 đạt khoảng 280 nghìn lượt người (trong đó khách quốc tế chiếm 30%).
Riêng trong quý I/2021, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, toàn huyện đã đón hơn 5.590 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, trong đó có 397 lượt khách nước ngoài.
Ngành du lịch đã tạo việc làm trực tiếp cho gần 400 lao động trên địa bàn huyện, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn có khoảng 500 lao động gián tiếp có thêm thu nhập từ các hoạt động dịch vụ tham quan, lưu trú, bán đồ lưu niệm.
Năm 2018, anh Hà Văn Dậu, dân tộc Mường xã Thành Sơn đã đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm dạy nghề huyện Bá Thước liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa đào tạo. Sau thời gian miệt mài học tập, anh tốt nghiệp và đi làm tại một khu du lịch với mức lương khởi điểm hơn 7 triệu đồng/tháng.
Anh Dậu cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã nghèo, cả nhà làm nông nghiệp, quanh năm lam lũ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Lớn lên tôi quyết tâm đi học kiếm lấy cái nghề để lo cuộc sống sau này. Hiện nay, với nghề đầu bếp phục vụ đồ ăn cho khách du lịch, tôi có thu nhập ổn định lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình”.
Cũng như anh Dậu, 3 năm trước, gia đình chị Hà Thị Tuyết, dân tộc Mường, thôn Báng, xã Thành Sơn còn là hộ nghèo. Khi Pù Luông có khách du lịch đến tham quan, chị đăng ký theo học nghề kỹ thuật chế biến món ăn và các lớp học ngắn hạn dạy kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Có kiến thức chị Tuyết bàn bạc với chồng, mạnh dạn vay vốn mở homestay. Nhờ làm du lịch, gia đình chị không những thoát nghèo, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Thêm động lực để bứt tốc
Hiệu quả của hoạt động du lịch đã và đang góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo tại các thôn bản trên địa bàn huyện Bá Thước. Điển hình như tại bản Đôn (xã Thành Lâm) tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12% xuống còn 5% trong vòng 3 năm 2018 – 2020, bản Kho Mường (xã Thành Sơn) từ 13% xuống còn 6,6%...
![]() |
Bá Thước sẽ tiếp tục có thêm nhiều giải pháp phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng. |
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho hay dù đang có được những thành công tích cực, song tốc độ phát triển của lĩnh vực du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Để khai thác tối đa lợi thế, huyện cần những giải pháp mang tính tổng lực, căn cơ, để tạo động lực bứt tốc.
Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, huyện sẽ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tiềm năng theo hướng chuyên nghiệp, mang đậm đà bản sắc vùng núi Bá Thước.
Cụ thể, huyện đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Kết hợp các hoạt động khám phá cảnh quan thiên nhiên, leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, khám phá các hang động, trải nghiệm đời sống văn hóa, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Mường...
Cùng với đó, để bổ trợ cho du lịch nghỉ dưỡng núi rừng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh, huyện Bá Thước sẽ chú trọng khai thác và phát huy giá trị các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Điển hình như khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, đan lát... để tạo ra các mặt hàng lưu niệm tại các xã Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng khu bán hàng lưu niệm, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương tại các điểm du lịch...
Ngoài ra, thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Xây dựng biểu tượng du lịch cộng đồng Pù Luông tại bản Tôm, xã Ban Công. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, điện, nước, trung tâm điều hành, nhà đón tiếp khách, bãi đỗ xe... tại điểm du lịch bản Hiêu, xã Cổ Lũng; thác Muốn, xã Điền Quang; bản Đôn, xã Thành Lâm.
Sẽ còn nhiều thách thức phải giải quyết, trước mắt là khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng với sự đồng hành của chính quyền các cấp, sự sáng tạo, chủ động của người dân, đặc biệt là những thay đổi trong tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch cộng đồng Bá Thước có thể tin vào sự trỗi dậy mạnh mẽ trong tương lai gần.
Nhật Minh