Theo UBND huyện Quản Bạ, kể từ năm 2019 đến nay, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng. Chương trình phát triển dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với trên 5.000 lao động, hơn 70% trong số đó là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Triển vọng từ cây dược liệu
Khoảng 5 năm về trước, dù ấu tẩu là cây dược liệu có giá trị cao, dễ trồng, nhưng chính quyền xã Cao Mã Pờ - địa phương có xấp xỉ 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chưa khuyến khích người dân mở rộng diện tích vì vẫn còn khó khăn về đầu ra.
![]() |
Mô hình trồng dược liệu đang cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. |
Chỉ đến khi có chủ trương phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Quản Bạ, xã Cao Mã Pờ mới chủ động hỗ trợ người dân thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Đình Quang, vừa phát triển sản xuất, vừa liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo Ban giám đốc HTX Đình Quang, trên địa bàn xã gieo trồng được trên 30 ha cây ấu tẩu, với 290 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, tập trung ở các thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn, Thèn Ván...
Ấu tẩu được HTX đứng ra thu mua, sau đó xuất bán cho doanh nghiệp, nên các hộ sản xuất có thể yên tâm mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ cây ấu tẩu.
Ông Vàng Pà Dèn, dân tộc Mông, thôn Vàng Chá Phìn chia sẻ, những năm trước đây, giá ấu tẩu chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng/kg. Giá không ổn định, người dân trong thôn hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao.
Tuy nhiên, từ khi HTX đi vào hoạt động, ấu tẩu được bán với giá 50 - 100 nghìn đồng/kg. Người dân không phải lo chuyện đầu ra. “Với 0,2 ha ấu tẩu, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 50 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí”, ông Dèn cho hay.
Tương tự, cây dược liệu cũng đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn thôn Nà Chang, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Để nâng cao giá trị sản xuất, liên kết các hộ đồng bào trong canh tác, huyện đã hỗ trợ địa phương thành lập HTX Dược liệu Nà Chang, với khởi điểm 15 hộ thành viên tham gia.
Anh Dương Phong Thương, dân tộc Tày, Giám đốc HTX cho hay, qua gần 7 năm hoạt động, HTX đang trở thành điểm tựa vững vàng cho các hộ trồng dược liệu trên địa bàn thôn, tạo việc làm cho hơn 10 lao động dân tộc Tày, thực hiện liên kết với nhiều doanh nghiệp để đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu hội nhập, làm ăn với doanh nghiệp, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, lò nấu cao atiso công suất chế biến 1 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng. Các sản phẩm chủ lực của HTX như cao atiso, đương quy… đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho HTX.
“Nà Chang là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc Tày. Nhưng năm qua, sự thay đổi trong tư duy, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật đang giúp các hộ trồng dược liệu nâng cao đáng kể giá trị sản xuất, với mức thu bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm”, Giám đốc HTX Dương Phong Thương chia sẻ.
Phát triển theo hướng bền vững
Ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho hay, với lợi thế và giá trị mang lại của cây dược liệu, đồng thời nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển 3 loại cây chủ lực, gồm dược liệu, hồng không hạt, ngô lai.
![]() |
Huyện sẽ đẩy mạnh vai trò của các HTX, doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu. |
Được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu, có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng, phát triển dược liệu, huyện Quản Bạ đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng, sản xuất, thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích tham gia trồng, chế biến.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp, 5 HTX tham gia trồng, chế biến, kinh doanh dược liệu, với diện tích là trên 2.940 ha, gồm các loại giống như thảo quả, ấu tẩu, đương quy, atiso, mã đề. Các vùng trồng dược liệu tập trung nhiều nhất ở các xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Tùng Vài, thị trấn Tam Sơn…
Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm dược liệu, huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án và sử dụng ngân sách huyện để hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng và đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị chế biến tạo ra các sản phẩm dược liệu có giá trị, với trên 35 sản phẩm dược liệu các loại, trong đó có 13 sản phẩm công bố tiêu chuẩn cơ sở.
Điển hình như các mặt hàng trà gừng Cao nguyên đá, nước tắm thảo dược, thảo dược ngâm chân, cao Atiso và 5 sản phẩm tinh dầu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm. Đồng thời tích cực triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), theo đó năm 2020 hoàn thiện trên 25 sản phẩm dược liệu.
Bên cạnh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 2.000 hộ với hơn 5.000 lao động, mô hình trồng dược liệu đã giúp thu nhập của các HTX và người dân các xã, thị trấn ngày càng tăng, đời sống người dân được cải thiện, niềm tin của người nông dân vào phát triển cây dược liệu để xóa đói giảm nghèo từng bước được nâng lên.
Quá trình xây dựng và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện cũng đã làm thay đổi nhận thức tư duy của nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ canh tác cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao, từ tự cung tự cấp sang việc phát triển hàng hóa theo hướng thị trường.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hạng Dương Thành, để phát triển chương trình dược liệu trong thời gian tới, ngành chức năng huyện sẽ có thêm các giải pháp, cơ chế về trồng dược liệu dưới tán rừng, giúp các nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận với quỹ đất.
Huyện cũng tiếp tục thu hút các HTX, doanh nghiệp dược liệu đầu tư vào địa bàn. Nhất là những đơn vị đầu tư theo chuỗi từ trồng đến chế biến, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng và sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng dược liệu, theo hướng vừa đào tạo vừa thực hành trồng thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
Đồng thời, huyện sẽ triển khai hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang, kết nối với các HTX, doanh nghiệp trồng, sản xuất chế biến, kinh doanh dược liệu trong cả nước để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm dược liệu của địa phương.
Hưng Nguyên