Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn 1/8/2015 – 31/7/2016) với mức thuế cao kỷ lục.
Mức thuế vô lý
Trong đó, 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong đợt xem xét lần này là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods chịu mức thuế CBPG ở mức 7,74 USD/kg. Các doanh nghiệp (DN) còn lại chịu mức thuế 3,78 USD/kg. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu (XK) cá tra – basa của Việt Nam sang Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP và các DN hiện đang làm việc với luật sư nhằm phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến việc DOC đưa ra mức thuế quá cao nói trên để có những phản ứng tiếp theo.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, chia sẻ: ngay cả với mức thuế CBPG thấp nhất là 3,78 USD/kg, DN cũng rất khó khăn.
Ông Quốc cho biết cá tra xuất sang Mỹ nếu có chất lượng tốt hiện có giá bán 4 – 5 USD/kg, vì vậy việc áp thuế cao gấp đôi so với giá bán sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN XK cá tra của Việt Nam. Đối với những công ty chịu mức thuế cao nhất, cánh cửa XK cá tra vào Mỹ xem như đã bị khép lại.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để có văn bản đề nghị phía Mỹ xem xét lại việc áp thuế CBPG này, cho rằng điều đó là không công bằng đối với các DN Việt Nam, đồng thời vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) – quyết định này mang tính chất cho bảo hộ cho cá nheo quá lớn.
“Phía Mỹ dùng số liệu có sẵn để tính rồi áp cho các DN Việt Nam. Điều này thiếu khoa học, thể hiện tính bảo hộ lớn, cản trở việc XK cá tra của Việt Nam sang Mỹ”, ông Quốc cho biết.
Theo Bộ Công Thương, trong suốt quá trình rà soát trước đó, các DN Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC nhưng rất tiếc là DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều DN XK của Việt Nam.
Bộ Công Thương cho rằng mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Trên thực tế, trong thời gian qua, DOC không ngừng điều chỉnh tăng thuế CBPG mặt hàng cá tra. Cách đây hơn 6 tháng (13/9/2017), DOC cũng đã áp mức thuế CBPG sơ bộ với cá tra Việt Nam ở POR13 là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với POR12. Vì vậy, XK cá tra sang Mỹ đã gặp khó khăn nhiều hơn trong 2 năm trở lại đây khi mức thuế CBPG liên tiếp tăng cao cùng với các hàng rào kỹ thuật khác.
![]() |
Để tránh chịu tác động quá lớn, các DN cần tìm kiếm thị trường mới đi kèm đấu tranh để phía Mỹ xem xét lại quyết định áp thuế quá cao
Doanh nghiệp phải tính cách
Một số ít DN có được mức thuế suất thấp lại phải đối mặt với rào cản kỹ thuật trong Đạo luật Nông trại của Mỹ, tức chương trình Farm Bill. Theo đó, kể từ ngày 2/8/2017, Cơ quan thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra XK vào Mỹ tại các i-house (những cơ sở kiểm tra nhập khẩu được Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ định). Việc kiểm tra các lô hàng của FSIS khiến cho hoạt động XK cá tra của các DN gặp khó khăn do phát sinh chi phí và thời gian cho việc tái kiểm tra tại Mỹ.
Như vậy, với thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, đó là thuế CBPG và chương trình giám sát cá da trơn, khiến XK qua thị trường này giảm sút khá lớn.
Ông Quốc cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm tỷ trọng 20% tổng kim ngạch XK cá tra của Việt Nam, là một thị trường lớn. Tuy nhiên, nếu như trước đây trong danh sách có 64 DN đăng ký XK cá tra sang Mỹ, thời gian vừa qua chỉ còn 14 DN tham gia XK và chỉ có 3 DN có giá trị XK đáng kể. Việc gây khó khăn này ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Với mức thuế CBPG mới đi kèm với thực tế sản xuất con giống gặp khó khăn, mục tiêu kim ngạch XK cá tra khoảng 2 – 2,2 tỷ USD năm nay khó trở thành hiện thực.
Trước tình hình trên, ông Quốc cho rằng các DN Việt Nam nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại để XK sang các thị trường khác, qua đó bù vào sự sụt giảm của thị trường Mỹ, trong đó có Hồng Kông, Trung Quốc, các nước ASEAN, Trung Đông, Nam Mỹ.
Đồng thời, để đứng vững trước tình hình này, các DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, để có thể XK được vào các thị trường khó tính.
“Một mặt tìm kiếm thị trường mới, một mặt đấu tranh để phía Mỹ xem xét lại quyết định trên. Trên thực tế, việc áp thuế CBPG quá cao không chỉ ảnh hưởng tới DN Việt Nam mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ”, ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ Thương mại – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, khuyến nghị các DN XK thủy sản nên có một cách tiếp cận hết sức bài bản, quy củ trong quá trình lưu giữ hồ sơ, thống kê và tính toán chi phí của DN từ nuôi trồng, đánh bắt cho tới chế biến, bảo quản và phân phối thủy sản, cụ thể là cá tra fillet.
Trong thời gian tới, phía Mỹ dự kiến tiếp tục áp dụng các quy định mới, trong đó có các quy định về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, yêu cầu các sản phẩm XK vào thị trường này cung cấp rất nhiều thông tin từ địa bàn đánh bắt, phương tiện đánh bắt cho đến quá trình đánh bắt, bảo quản, vận chuyển, xử lý và phân phối các sản phẩm, trong đó có thủy sản của Việt Nam.
Để đáp ứng những yêu cầu này, các DN phải có sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cơ quan hiệp hội và kể cả các cơ quan địa phương để có thể đảm bảo được, lưu trữ được, hệ thống hóa được các thông tin đó và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan liên quan của Mỹ khi cần thiết.
Cùng với nỗ lực của các DN XK thủy sản, các hiệp hội liên quan, trong đó có VASEP cũng như các cơ quan như Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ phải giúp các DN nắm rõ được yêu cầu của thị trường và hỗ trợ DN trong quá trình giới thiệu, quảng bá về quy trình đánh bắt và chế biến thủy sản một cách hết sức hợp quy định, khoa học, đảm bảo an toàn và phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Godaco Với mức thuế cao này, coi như cá tra Việt Nam hết đường XK sang Mỹ. Mức thuế gần 4 USD/kg là bằng giá XK cá tra sang Mỹ, mức thuế gần 8 USD/kg cao gấp đôi giá XK thì DN chỉ có ôm lỗ. DN nên chuyển hướng sang các thị trường như châu Âu, Trung Quốc. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP VASEP đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà nhà XK Việt Nam đã cung cấp. Qua đó để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty Việt Nam. Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam
Thị trường nào cũng có rủi ro nhất định. Nếu đẩy mạnh chuyển hướng XK sang thị trường Trung Quốc, các DN trước hết cần đảm bảo chất lượng hướng tới XK chính ngạch, giảm tiểu ngạnh. Đồng thời với các thị trường khác, thực hiện các hiệp định thương mại bình đẳng dựa trên nguyên tắc thỏa thuận với nhau, có như vậy mới có thể XK bền vững. |