Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu: "Việt Nam có phải là công xưởng chế biến, chế tạo của khu vực và thế giới hay không là do năng lực quản trị, nghiên cứu, tổ chức của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN). Chúng ta cần học tập, nghiên cứu kinh nghiệm phát triển CNHT của Nhật Bản, Hàn Quốc…".
Vừa thiếu, vừa yếu
Thực tiễn cho thấy thời gian qua, chính sách phát triển CNHT được đưa ra khá nhiều nhưng kết quả chưa như mong đợi. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trên toàn quốc hiện có khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Số lượng các DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp những năm qua vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu khiến cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP năm 2017 so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong khu vực (Campuchia: 22%, Thái Lan: 26%, Hàn Quốc: 28%, Trung Quốc: 36%).
Đi sâu vào ngành điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông mới đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%.
Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các DN FDI cung cấp; mới chỉ có khoảng 35 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các DN Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn… với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, hơn 20 năm liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng ngành dệt may bình quân là 15%/ năm, nhưng ngành này phát triển không đồng đều giữa các khâu đoạn khi các phân khúc kéo sợi và may phát triển nhanh chóng trong khi phân khúc sản xuất vải (bao gồm dệt, nhuộm, hoàn tất) lại kém phát triển, tạo ra thế "nút thắt cổ chai" khiến phát triển toàn ngành khó bền vững.
Toàn ngành lệ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu (lượng vải nhập năm 2017 là 6,5 tỷ mét trong khi nhu cầu là 9,5 tỷ mét) khiến DN mất đi tính chủ động trong kinh doanh; hạn chế sự sáng tạo và khó có thể nâng cao giá trị sản xuất.
Ông Tuấn phân tích, giá trị 1kg bông chỉ là 2 USD nhưng làm ra được sợi giá trị tăng lên 3,5 USD/kg và ra được tới vải lên tới 10 USD/kg. Giá trị gia tăng mang lại từ khâu này cao hơn so với giá gia công chỉ một vài USD/kg đồ may ra được.
Hơn nữa, không có vải sẽ không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho sản phẩm, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, nên DN Việt mãi vẫn chỉ làm hàng gia công, làm thuê cho các DN nước ngoài. Ngoài những DN FDI lớn sở hữu cả chuỗi cung ứng, trong đó có nhuộm, chỉ có vài DN lớn trong nước có khâu đoạn nhuộm nhưng quy mô nhỏ và chất lượng ở mức trung bình.
![]() |
Mỗi DN Việt cần có khát vọng trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu |
Nền tảng cho công xưởng thế giới
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), chia sẻ năng lực sản xuất của CNHT ngành da giày còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu.
Còn quá ít cơ sở sản xuất các loại nguyên liệu chính như giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện kim loại, phụ kiện nhựa, keo dán và hóa chất, dẫn tới ngành da giày Việt Nam phần lớn là gia công xuất khẩu với nguyên phụ liệu chủ yếu do nước ngoài chỉ định.
Theo ông Thuấn, Nhà nước và các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể về các khu/cụm CNHT cho ngành da giày; chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên phụ liệu da giày (da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất…) và chưa có chính sách thiết thực khuyến khích sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để phục vụ sản xuất XK.
Đại diện cho DN ngành dệt may, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng nguyên phụ liệu chưa đáp ứng được là do bất cập chính sách. Hình thức nhuộm gia công là giải pháp tối ưu không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các DN vừa, nhỏ, cực nhỏ mà còn giúp tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường nhưng lại không được khuyến khích và cho phép; nhiều địa phương khiến nhà đầu tư e ngại khi triển khai khâu đoạn này.
Trên cơ sở đó, ông Tuấn kiến nghị cần thiết hình thành các khu công nghiệp đặc thù, được thiết kế chuyên nghiệp dành cho việc phát triển sản xuất vải, đặc biệt là phân khúc nhuộm.
Với ngành công nghiệp ôtô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco), cho biết cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP với thuế suất nhập khẩu một số linh kiện CKD bằng 0%, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để sản phẩm ôtô sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Vì vậy, Thaco đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích CNHT phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.
DN này cũng đề xuất Chính phủ có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành CNHT, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).
Trước ý kiến đóng góp của cộng đồng DN, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành và địa phương cần lắng nghe ý kiến vì mỗi DN là một kinh nghiệm tốt để từ đó Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển CNHT.
Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, nhà sản xuất để trở thành công xưởng sản xuất của ASEAN, châu Á và thế giới.
"Làm sao Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Các bộ ngành, địa phương phải suy nghĩ điều này khi xây dựng định hướng phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu: "Bộ, ngành và địa phương cần có tinh thần làm việc như tầm nhìn chiến lược của ông Park Hang-seo khi đưa Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup 2018. Người Hàn Quốc, Nhật Bản có ý chí lớn, chúng ta phải học tập tinh thần như vậy vào phát triển CNHT Việt Nam, chứ cứ bình bình thì khó thành công".
Sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, thuế, lãi suất… để hỗ trợ DN CNHT. Đồng thời, chủ động lựa chọn DN có năng lực, kinh nghiệm để phát triển CNHT, tạo ra mô hình mới làm hạt nhân, nhân rộng các mô hình khác cùng phát triển.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Phát triển các DN công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp đất nước nói chung, đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo định hướng đầu tư vào CNHT, bởi không ai làm thay DN trong phát triển CNHT. DN Việt Nam phải có khát vọng gia nhập chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị. Chủ tịch HĐQT Thaco - Trần Bá Dương Cách làm công nghiệp ở Việt Nam hiện đang giống với việc xây dựng mà mọi vật liệu đều phải nhập, chỉ có cát, đá và xi măng ở Việt Nam thì không hiệu quả. Chúng ta bước vào kỷ nguyên phát triển kinh tế ổn định, khi có thị trường, DN đầu tàu dẫn dắt ngành công nghiệp, chính sách phải khuyến khích hỗ trợ DN phát triển. Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh Phần lớn các DN sản xuất công nghiệp Việt Nam đều là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, có trình độ hạn chế về nhiều mặt. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự cố gắng của DN cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Nhà nước cần đứng bên cạnh, đồng hành để nâng cao năng lực các DN công nghiệp và CNHT đạt trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển. |