Chốt lại năm 2018, dệt may ở Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) cao trong những năm trở lại đây, với mức tăng 16,01% so với năm ngoái, đạt trị giá trên 36 tỷ USD.
Tuy nhiên, một câu hỏi thường trực được đặt ra lâu nay là kim ngạch thực tế mang về cho đất nước là bao nhiêu khi doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 25% tổng số DN dệt may nhưng có thể chiếm đến 70% tổng kim ngạch XK?
Làm thuê, "ăn mỏng"
Có đến 85% DN dệt may nội địa vẫn thực hiện theo phương thức gia công. Dệt may vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho thương nhân nước ngoài của Việt Nam (chiếm 48% tổng phí gia công).
Theo nhận định mới đây của Tổng cục Thống kê khi lần đầu tiên tiến hành thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa cho đối tác nước ngoài, hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào thuộc sở hữu nước ngoài mang về cho Việt Nam 8,6 tỷ USD tiền phí gia công vào năm 2016.
Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao nhất với 81,7% (7 tỷ USD), DN ngoài nhà nước chiếm 17,4% (1,5 tỷ USD), DN nhà nước chiếm tỷ trọng 0,9% (77 triệu USD).
Điều này đồng nghĩa số thu ngoại tệ thực tế của các DN nội gia công ngành dệt may nói riêng và DN nội gia công nói chung là rất thấp so với khối ngoại. Với ngành dệt may, giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm, nên phần lớn trong tổng kim ngạch XK hơn 36 tỷ USD năm 2018 là vào "túi" các công ty nước ngoài giao hàng gia công.
Chính Tổng cục Thống kê cũng đưa ra nhận định hoạt động gia công của các DN Việt chủ yếu vẫn là làm thuê cho các đối tác nước ngoài, bởi các DN Việt Nam chỉ hưởng phần phí (tiền công) từ việc gia công, phần lớn nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp.
Đặc biệt, việc lắp ráp hàng điện tử máy tính chiếm tỷ trọng tương đối thấp với 0,7% tổng phí gia công mà Việt Nam thu được. Giới chuyên gia lý giải nguyên nhân là do nguyên liệu phục vụ cho gia công, lắp ráp phần lớn do phía nước ngoài cung cấp và sở hữu, do đó DN Việt khó có thể chủ động trong quá trình sản xuất và chưa thực sự làm chủ được công nghệ.
Vì vậy, giá trị gia tăng đem lại từ hoạt động gia công này cho DN Việt là không cao, tỷ lệ thu từ hoạt động gia công so với giá trị hàng hóa sau gia công rất thấp.
![]() |
DN Việt gia công chủ yếu chỉ hưởng phần phí |
Chưa đi đúng hướng
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Hisatsugu Furukawa, Tư vấn trưởng dự án khảo sát các DN phụ trợ Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết: "Chúng tôi rất muốn hỗ trợ các DN Việt để họ quản lý tốt hơn DN của mình. Ví dụ cơ bản là họ có thể hiểu biết về sản xuất nhưng lại chưa biết cách đưa ra trực quan hóa những hoạt động sản xuất kinh doanh".
Ông Hisatsugu lưu ý các DN nhỏ và vừa Việt Nam đang làm gia công cho các công ty Nhật Bản cần phải nắm các thông tin về tài chính thông qua những con số cụ thể đánh giá về chi phí hay lãi suất của từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Điều này nhằm đánh giá chính xác hiện nay DN của mình đang ở mức độ như thế nào, lãi lỗ ra sao, để có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt trong giai đoạn tiếp theo.
"Các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam nên phát triển trực quan hóa các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để từ đó có những chiến lược phù hợp hơn trong tương lai. Họ có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa biết làm thế nào để đi đúng hướng", ông Hisatsugu nói.
Ngoài ra, một điểm thiệt thòi khác cho các DN gia công nội địa là tuy có góp phần cho hoạt động XK, nhưng chính sách hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu trong lúc đầu của họ lại chưa rõ ràng. Hiện nay, Nghị định 134/2016/NĐ- CP hướng dẫn Luật Thuế XK, thuế nhập khẩu chưa đề cập đến việc hoàn thuế XK tại chỗ.
Trên thực tế, các DN gia công nội địa vướng ở chỗ chính sách về thuế vẫn chưa xác định rõ là XK tại chỗ có phải là một hình thức XK để được hưởng miễn thuế XK hay không và được hưởng hoàn thuế XK hay không. Ngoài phần phần phí gia công ít ỏi nhận được từ các DN nước ngoài, DN gia công còn "mù mờ" chính sách ưu đãi thuế.
Chia sẻ thêm, ông Hisatsugu cho biết trong quá trình làm việc, tìm hiểu các vấn đề mà DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay đang gặp phải (nhất là các DN làm gia công), thấy rằng họ gặp nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mà đôi khi một đơn vị hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở cấp Bộ hay các cơ quan khác không thể giải quyết được hết.
"Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần xây dựng mạng lưới để nhiều cơ quan tổ chức cùng tham gia, mỗi tổ chức đưa ra sự hỗ trợ phù hợp với từng vấn đề của DN. Khi đó, chúng ta sẽ cung cấp một sự hỗ trợ toàn diện cho DN nhỏ và vừa để có thể hoạt động hiệu quả, phát triển tốt hơn", ông Hisatsugu đề xuất.
Thế Vinh