Hiện nay, theo Bộ Công Thương, hàng Việt Nam tuy xuất khẩu (XK) đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ XK trực tiếp cho các mạng lưới phân phối trong các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày chiếm tỷ lệ rất thấp cả về số lượng và chất lượng.
Giá rẻ cũng không chuộng
Bộ Công Thương đang đẩy mạnh kết nối giữa hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam với chính những doanh nghiệp (DN) XK để trực tiếp đưa hàng vào hệ thống của họ tại các thị trường trên thế giới.
Các hoạt động đầu tiên để thực hiện ý tưởng này là việc tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các nước, như tại hệ thống Casino của Pháp, sau đó mở rộng sang hệ thống khác như Metro, Segros (Đức); Lotte, Emart (Hàn Quốc)…
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Trong khi đó với nguồn lực hạn chế, các DN gặp khó khăn nhất định.
Ở góc độ là nhà phân phối, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu, cho biết kim ngạch XK hàng Việt vào hệ thống Aeon hiện nay vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Siêu thị ưa chuộng đối với các sản phẩm như may mặc, thủy sản của Việt Nam… Tuy nhiên, gần đây, thiên hướng của Aeon không phải cạnh tranh về giá mà về giá trị gia tăng.
“Tiêu chuẩn của Aeon giống với tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, với Việt Nam, tôi nghĩ các bạn nếu xúc tiến theo hướng cạnh tranh về giá rẻ, nhân công rẻ sẽ không mang lại lợi ích thiết thực, mà nên chú ý nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”, ông Shiotani Yuichiro khuyến cáo.
Đồng thời, đại diện Aeon cũng cho biết vướng mắc hiện nay khi XK trực tiếp hàng Việt Nam qua hệ thống phân phối này là nhiều quy định pháp luật giữa hai nước có khác nhau. Nhật Bản có quy định khắt khe về thành phần nguyên liệu đối với hàng nhập khẩu, chất phụ gia sử dụng.
“Người Nhật rất quan tâm tới những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, vậy nên hệ thống của chúng tôi rất quan tâm tới chất lượng sản phẩm”, ông Shiotani Yuichiro cho biết.
Từ kinh nghiệm của bản thân, đại diện một DN chia sẻ, muốn XK trực tiếp vào hệ thống phân phối ngoại, sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đi kèm các giấy phép chứng nhận. Không chỉ Nhật Bản mà Lào, Singapore hay các nước đều có quy chuẩn bảo vệ sức khỏe, vì vậy ngay từ bao bì mẫu mã phải đảm bảo chứng minh không tồn dư chất độc hại trong đó, nhất là việc sử dụng bao bì nylon.
“Khi chúng tôi mang nấm linh chi sang Nhật Bản giới thiệu, người Nhật đã hỏi rằng “sản phẩm của bạn có gì đặc biệt. Khi đó, phải chứng minh cho họ thấy”, đại diện DN này cho biết.
Vì vậy, “Chúng ta phải giới thiệu cho họ sản phẩm của mình tiện lợi, chất lượng, màu sắc hấp dẫn thế nào; đặc biệt, mùi thơm ra sao. Người nước ngoài thường có thói quen trước khi dùng sản phẩm sẽ ngửi mùi trước, vậy nên mùi thơm rất quan trọng”.
![]() |
Muốn bán được hàng, bao bì phải giúp sản phẩm “giao tiếp” được với khách hàng |
Bao bì phải “biết nói”
Theo bà Trần Thị Xuân Quyên, Trưởng phòng công ty Uniliver Việt Nam, muốn bán được hàng, sản phẩm hàng hóa Việt Nam phải được hiện diện nhiều tại các kênh phân phối nước ngoài, đồng thời bao bì sản phẩm cần có tương tác với người tiêu dùng.
Điều này có nghĩa bao bì sản phẩm rõ ràng phải nói lên được tất cả điểm nổi trội mà sản phẩm có: có thông điệp mời gọi, quảng cáo kèm theo câu nói ngắn gọn về chất lượng sản phẩm.
Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Phát triển khách hàng kênh hiện đại Central Group, cho rằng thay vì ngồi nhìn sản phẩm và thắc mắc sản phẩm mình tốt nhưng không vào được siêu thị lớn trên thế giới, các DN cần phải đầu tư cho nhãn mác, bao bì của mình trước tiên.
“Chất lượng sản phẩm rất quan trọng nhưng chưa đủ, DN phải “mặc thêm quần, thêm áo”, có các thông số biết nói để tiếp cận với người tiêu dùng”, ông Sơn chia sẻ.
Để làm được điều này, theo ông Sơn, hơn ai hết, DN phải là người hiểu rõ thói quen, sở thích của khách hàng. DN cần phân tích thói quen của người Việt có khác với người Thái ra sao… “Khách hàng của tôi là ai, nhu cầu thế nào, sản phẩm của tôi cung cấp khách hàng có thích không. Tức là bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, nguyên tắc của Central Group là sản phẩm phải tăng trưởng bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng của siêu thị. “Sản phẩm của các bạn phải cố gắng tăng trưởng nhanh hoặc bằng mức tăng trưởng của chúng tôi. Bởi vì, nếu tăng chậm chứng tỏ sản phẩm, giá cả hoặc cách sắp xếp hàng trên quầy kệ của các bạn đang thua chính đối thủ cùng bán hàng trong hệ thống của chúng tôi”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), nhận định rằng cái khó nhất hiện nay là thiếu đội ngũ DN đủ mạnh để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài. Lực lượng DN chủ yếu là DN vừa và nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh kém. Với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi DN phải đầu tư lớn, nếu không có sự đầu tư và cam kết lâu dài, DN không thể đáp ứng được đầy đủ ngay tức khắc yêu cầu của nhà phân phối.
Đăc biệt, bà Anh cho rằng nhận thức của một số DN về việc tiếp thị hàng hóa vào mạng lưới phân phối nước ngoài chưa bài bản, chủ yếu là mang bán những gì mình có, chứ chưa quan tâm bán những gì thị trường cần. Hơn nữa, nhiều công việc như marketing, giới thiệu cho người mua hàng vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ, chính vì vậy những cuộc giao thương, giới thiệu quảng bá chưa đạt được kết quả cao.
“Tiếp cận hệ thống nước ngoài không dễ nên phía DN cần phải chuẩn bị hàng hóa tốt nhất nhằm đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối nước ngoài”, bà Anh khuyến nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng chất lượng sản phẩm và việc đáp ứng các quy định của thị trường là hết sức quan trọng, điều này cần sự quyết tâm của DN.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài đã lên kế hoạch triển khai hoạt động dự kiến trong năm 2018 với trọng tâm là tập trung vào nâng cao năng lực cho các DN XK để đủ khả năng XK vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai hiệu quả và đồng bộ các hoạt động sao cho phù hợp với lợi ích của các bên liên quan cần có sự hợp tác chặt chẽ của các tác nhân quan trọng gồm các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Công Thương, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hãng phân phối nước ngoài và đặc biệt là các DN, hiệp hội XK Việt Nam. Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc phát triển khách hàng kênh hiện đại Central Group Central Group sẵn sàng mở cánh cửa chào đón hàng hóa của DN Việt. Tuy nhiên, nếu sản phẩm không bán được cho người tiêu dùng Thái Lan, không sớm thì muộn, cánh cửa của chúng tôi sẽ đóng lại. Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) Muốn XK trực tiếp qua các hệ thống siêu thị ở nước ngoài, các DN cần nắm bắt được các quy định của nước nhập khẩu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, trong đó là cách đóng gói bao bì và hơn nữa là chất lượng hàng XK. DN sẽ phải cam kết đầu tư từ khâu sản xuất đến thị trường, đảm bảo hàng hóa phù hợp với nhu cầu nhà nhập khẩu. |