Tại Hội thảo Doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số, ngày 18/7, Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam được đánh giá là đất nước có những tiền đề, nhiều lợi thế trong thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn.
80% ở mức sẵn sàng thấp
Có lợi thế của người đi sau, trong 3-4 năm trở lại đây, tinh thần tiến quân vào CMCN 4.0 lên rất cao, thế nhưng liệu rằng Việt Nam có lại bỏ lỡ cơ hội vàng lần này? Ông Thiên cho rằng thực tế là sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã hai lần nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, song không thực hiện thành công.
Lý do cơ bản là Việt Nam dù nhận diện thời cơ nhanh và đúng, nhưng chỉ dừng lại ở nhận thức, không quyết liệt triển khai hành động, với cách thức chuẩn bị phù hợp trong chuyển hóa các điều kiện và năng lực thực tiễn, đặc biệt là năng lực thể chế để vượt qua thách thức và thúc đẩy phát triển. Con đường xa nhất vẫn là từ lời nói đến việc làm. Vì vậy, tuy có tiến lên, đất nước vẫn không thực sự bắt nhịp được vào quỹ đạo phát triển mới của thế giới.
Ông Thiên đánh giá cách thức triển khai công cuộc tiến công vào CMCN 4.0 còn ít nhiều mang tính phong trào. Nhìn kỹ hơn, doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong “ăn chia” chiếc bánh doanh thu kinh tế số; vai trò chi phối của các tập đoàn như Samsung, Intel… là rất nổi trội.
Hơn thế nữa, DN Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ này chiếm tới 82% DN và có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số”.
Khảo sát công nghiệp chế tác năm 2019 cho thấy 35% DN Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho quản lý chuỗi cung ứng, trong khi ở Thái Lan là 38%; 77% DN không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan: 40%)…
Dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát, bà Vũ Thị Hồng Nhung, đại diện công ty VietRAP, cho biết 85% DN có quan tâm tới nền kinh tế số, tuy nhiên hơn 70% DN băn khoăn không biết làm gì để đón nhận và sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay. Nhiều DN vẫn có xu hướng sử dụng lao động thủ công để thay thế cho máy móc. Việc thay đổi sang quy trình mới, số hóa có thể dẫn tới việc cắt giảm lao động thay vì đào tạo lao động do tốn kém, không hiệu quả. Ở các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) có ứng dụng thương mại điện tử, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên trách về CNTT là phổ biến. 66% DN không có cán bộ chuyên trách về CNTT – thương mại điện tử.
Phân tích trong ngành nông nghiệp, bà Nhung cho hay phần lớn DN hiện nay chưa trang bị kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh, thậm chí một trang trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cần lượng công nhân có tay nghề, có trang bị kiến thức và sử dụng thiết bị CNTT để chăm sóc cây, con… cũng còn nhiều hạn chế. Điều đó dẫn tới nhiều DN rất khó để tồn tại và phát triển, đặc biệt là trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
![]() |
DNNVV dường như đang ở ngoài cuộc chơi chuyển đổi số |
Mở chốt cho DN vào nhà
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam, so sánh: “Để DNNVV bước vào được “ngôi nhà” kinh tế số giống với việc cửa phải mở toang và DN phải chủ động bước vào. Nếu tình trạng DN cứ loay hoay ở ngoài gõ cửa muốn vào mà ở trong không mở chốt, mở khóa thì rất khó, ai kiên trì thì chờ lúc người ta mở cửa ồ ạt thì mới vào được, và lúc đó cơ hội đã trôi qua”.
Không ai khác, người mở chốt trong ngôi nhà đó là Nhà nước. Theo bà Hường, các chủ DNNVV rất giỏi, rất chăm chỉ và sáng tạo. Bất cứ yếu tố kinh nghiệm hoặc công nghệ nào có thể giúp thúc đẩy kinh doanh là họ quan tâm và sẵn sàng ứng dụng ngay sau khi test thử. Thế nhưng, họ không có thời gian, thiếu thông tin, bên cạnh nhiều thứ thiếu kinh niên khác: thiếu vốn, thiếu nhân sự…
Vậy, làm thế nào để hỗ trợ DN? Bà Hương cho biết có một sự thật là các hội thảo bây giờ dù có được quảng cáo nội dung hay nhưng rất khó thu hút DN. Vì vậy, Nhà nước cần có chương trình riêng hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số.
Trong đó, Hiệp hội DNNVV mong Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện các chiến dịch hỗ trợ đào tạo đại trà, một vài chiến dịch chuyên sâu để làm nòng cốt, từ đó mới có thể lan tỏa một cách hiệu quả tinh thần chuyển đổi số của Chính phủ trong cộng đồng DN một cách thiết thực.
“Hiện nay, thực tế DNNVV vẫn đang tự lo điều này, chỉ có điều lực bất tòng tâm, muốn lo cho 100 người nhưng chỉ đủ điều kiện lo cho 10 người. Vì vậy dẫn tới chuyển đổi số ở khu vực dân cư, khu vực DN lớn, DN FDI đang đi rất nhanh, nhưng ở các DNNVV lại chậm chạp”, bà Hường cho biết.
Theo Ts. Trần Đình Thiên, Nhà nước cần xây dựng khung khổ nền tảng cho hệ thống kinh tế mới bao gồm: Cải cách thể chế (thiết lập quy chế điều tiết kinh doanh trên nền tảng số; tạo không gian thể chế, có thể là thử nghiệm, cho sáng tạo công nghệ, cách thức vận hành kinh doanh như “sandbox” (mô hình thử nghiệm); nâng cao pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ; xây dựng Chính phủ điện tử/Chính phủ số…).
Hơn nữa, kinh tế số có nhiều khác biệt căn bản so với kinh tế “thực” truyền thống cả về nguồn lực, đặc trưng và cách thức tương tác, vận hành. Chính vì vậy, một loạt chính sách, từ chính sách cạnh tranh, chính sách công nghiệp, chính sách tài khóa đến chính sách liên quan đến nghĩa vụ pháp lý trung gian và quyền riêng tư phải được xem xét lại.
Ông Thiên nhấn mạnh với CMCN 4.0 và thời chuyển đổi số, cơ chế “sandbox” chính sách/ quy chế điều tiết là một lựa chọn không thể thiếu. Song như vậy là chưa đủ; cùng với đó phải rất tường minh về đầu mối cơ quan bộ ngành, tỉnh thành chủ trì thực thi gắn với trách nhiệm người lãnh đạo đứng đầu.
Đặc biệt, đằng sau mọi câu chuyện lĩnh vực lựa chọn, tăng trưởng và phát triển trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số chính là DN. Thắng thua, thành bại cũng ở DN – một lực lượng ngày càng năng động với sự trưởng thành của nhiều thế hệ doanh nhân. Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của DN cùng cách hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước có ý nghĩa quyết định để DN ngày càng trưởng thành.
Nắm bắt xu hướng, thời cuộc và cơ hội, nhiều tập đoàn, công ty Việt Nam đang chuyển lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dồn nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ, “chất xám” và kỹ năng mới. Trên nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo cam kết quốc tế, nhất là trong các FTA, chính sách hỗ trợ các tập đoàn, công ty như vậy phải là “hỗ trợ người thắng cuộc” (qua kết quả thị trường phản ánh) chứ không phải là “lựa chọn người thắng cuộc”.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Hiệp hội DNNVV Việt Nam Một số DN đã hiểu, đã đang đi đến ngôi nhà công nghệ 4.0, Nhà nước hãy cùng Hiệp hội DNNVV bắc loa thông báo để các DN đều biết và khi đến trước cửa ngôi nhà rồi, hãy mở sẵn cửa, có người hướng dẫn để DN nhanh chóng tìm được chỗ đứng trong ngôi nhà đó, còn nếu không, phải chờ đợi, DN lại quay về, thì ngôi nhà lại trở thành tháp ngà khoa học để cho các nhà khoa học, nhà quản lý chiêm ngưỡng mà thôi. Ts. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Nhận thức của Việt Nam đã rõ, quyết tâm chính trị cao, Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội vàng mà “con tàu CMCN 4.0 và chuyển đổi số” mang đến. Việt Nam đang sở hữu những tiền đề rất cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh để thực hiện CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế số, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực và khiếm khuyết của bản thân DN là rất lớn, song Việt Nam và DN Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được. Bà Vũ Thị Hồng Nhung - CTCP VietRAP đầu tư thương mại Mỗi DN muốn phát triển kịp trong nền kinh tế số cần giải được bài toán hiệu quả từ lựa chọn đầu tư công nghệ: Đầu tư và ứng dụng công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định thành công trong CMCN 4.0. Tuy nhiên, trong làn sóng robot hóa, ngoài việc cẩn trọng trong chọn lựa đầu tư, DN còn phải hiểu và nhận thức thế mạnh riêng để có quyết định đúng đắn nhất, chứ không phải chạy theo xu hướng. |