Tại Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số diễn ra ngày 18/7, PGs.Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển đổi kinh tế - xã hội sâu sắc, nhưng thành công hôm qua chưa phải là đảm bảo cho thành công hôm nay và ngày mai.
![]() |
PGs.Ts. Trần Đình Thiên (Ảnh: Internet) |
Đó là chưa nói đến bản thân quá trình cải cách, phát triển của Việt Nam vẫn ẩn chứa trong đó không ít vấn đề. Nhìn trên hầu hết các lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chủ yếu có tính truyền thống, là sự pha trộn các thế hệ công nghệ 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đầu tiên. Tăng trưởng kinh tế nhìn dài hạn đã có dấu hiệu chững lại.
Theo ông Trần Đình Thiên, Việt Nam được đánh giá là đất nước có những tiền đề, nhiều lợi thế trong thực hiện CMCN 4.0 và phát triển nền kinh tế số. Song thách thức cũng rất lớn và chúng nằm trong mọi chiều cạnh nhìn nhận tích cực.
Việt Nam có lợi thế của người đi sau, trong 3-4 năm trở lại đây, tinh thần tiến quân của Việt Nam vào CMCN 4.0 lên rất cao. Vậy, liệu rằng Việt Nam có lại bỏ lỡ cơ hội vàng lần này? Ông Thiên cho rằng thực tế là sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã hai lần nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, song không thực hiện thành công.
Lý do cơ bản là Việt Nam dù nhận diện thời cơ nhanh và đúng nhưng chỉ dừng lại ở nhận thức, không quyết liệt triển khai hành động, với cách thức chuẩn bị phù hợp trong chuyển hóa các điều kiện và năng lực thực tiễn, đặc biệt là năng lực thể chế để vượt qua thách thức và thúc đẩy phát triển. Con đường xa nhất vẫn là từ lời nói đến việc làm. Vì vậy, tuy có tiến lên, đất nước vẫn không thực sự bắt nhịp được vào quỹ đạo phát triển mới của thế giới.
Chưa kể, cách thức triển khai công cuộc tiến công vào CMCN 4.0 còn ít nhiều mang tính phong trào. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam hiện có gần 900.000 lao động, trong đó có một số lượng lớn kỹ sư về trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, với số người được cấp chứng chỉ internet vạn vật (IoT) hàng đầu thế giới, dẫu vậy điểm trừ của nhân lực Việt Nam là kỹ năng nhìn chung thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo tay nghề, chưa nói đến khoảng cách xa so với yêu cầu của CMCN 4.0 và thời chuyển đổi số chỉ đạt 60%.
Nhìn kỹ hơn, doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong “ăn chia” chiếc bánh doanh thu kinh tế số; vai trò chi phối của các tập đoàn như Samsung, Intel... là rất nổi trội.
Hơn thế nữa, DN Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ này chiếm tới 82% DN, và có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số”.
Khảo sát công nghiệp chế tác cho thấy 35% DN Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin cho quản lý chuỗi cung ứng (Thái Lan 38%) và 77% DN không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan: 40%); mức áp dụng công nghệ thông tin cho giám sát sản xuất còn thấp.
Lê Thúy