Mới đây, Tập đoàn bán lẻ quần áo Uniqlo (Nhật) chính thức thông báo kế hoạch khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2019 và sẽ đặt cửa hàng ở Tp.HCM.
Ngoài cửa hàng đầu tiên, Uniqlo còn đưa ra kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai mở thêm nhiều cửa hàng khác cũng tại Tp.HCM trước khi mở rộng sang các tỉnh, thành khác.
Thương hiệu ngoại đổ bộ
Nhiều người đam mê thời trang ngoại (nhất là giới trẻ) háo hức trước thông tin này vì một thương hiệu được ví như "cá mập" với hệ thống bán lẻ quần áo ở khắp nơi trên thế giới sắp đổ bộ vào Việt Nam.
Còn nhớ, hồi tháng 9 năm ngoái, giới trẻ từng tốn nhiều thời gian xếp hàng dài vào cửa hàng đầu tiên của hãng bán lẻ thời trang toàn cầu H&M tại Tp.HCM đã cho thấy "cơn sốt" hàng ngoại giá rẻ mạnh đến cỡ nào.
Đến nay, dù cơn sốt này có hạ nhiệt nhưng H&M vẫn ăn nên làm ra với việc mở thêm vài cửa hàng lớn tập trung tại Tp.HCM và Hà Nội, doanh thu sau nửa năm hoạt động được cho là hơn 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, có thể thấy sự phát triển trước đó của các thương hiệu thời trang ngoại từ cao cấp đến tầm trung như Zara, GAP, Topshop, Mango, Old Navy, Hilfige, Tommy… Theo ước tính, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đã có mặt tại Việt Nam.
Điều này cho thấy các hãng thời trang lớn trên thế giới rất quan tâm đến thị trường tiêu thụ tại Việt Nam – vốn được cho là có quy mô 4-5 tỷ USD với tổng cầu khoảng 40 triệu bộ quần áo/năm.
Theo đánh giá, thị trường nội địa là rất lớn nhưng thị phần của các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước vẫn còn khá khiêm tốn so với các thương hiệu ngoại. Điều này được cho là không "đồng điệu" với những thông tin lạc quan trên thị trường xuất khẩu khi 8 tháng đầu năm nay đã đạt kim ngạch tới 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc kinh doanh của một tổng công ty cổ phần may mặc ở Tp.HCM (vốn từng chiếm thị phần đáng kể ở mảng quần áo học sinh, đồng phục công sở và bảo hộ lao động), cho biết trên thị trường "sân nhà" hiện nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, công ty gặp cạnh tranh rất lớn trước các thương hiệu ngoại.
Các thương hiệu may mặc ở nước ngoài có lợi thế nhập nguyên liệu sợi với thuế suất ưu đãi nên khi vào Việt Nam, giá thành phẩm sẽ rất cạnh tranh so với hàng nội có giá cao hơn từ sự ảnh hưởng của chênh lệch mức thuế suất.
Vì vậy, các DN dệt may trong nước gặp khó khăn rất rõ trên thị trường nội địa. Ngay cả các DN trong ngành sợi nội địa cũng đang "nhức đầu" trước áp lực từ nguồn sợi giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ.
![]() |
Tâm lý sính ngoại tạo áp lực cho các DN may mặc Việt trên "sân nhà" |
Bài toán muôn thuở
"Giá thành hàng dệt may trong nước cao so với hàng ngoại ngay tại thị trường Việt khi phải tốn nhiều chi phí cho việc xử lý nước thải, 1m vải phải gánh 2.000 đồng cho việc này. Ngoài ra, các chi phí khấu hao máy móc mới của các DN dệt may có vốn nhà nước thường cao hơn so với các DN thuộc khối tư nhân vốn thường đầu tư máy móc thiết bị cũ", bà Hồng chia sẻ.
Ngoài vấn đề cạnh tranh về giá thành, nhiều ý kiến cho rằng trước đây, các DN may mặc trong nước không thiếu các thương hiệu đủ sức cạnh tranh với thương hiệu ngoại trên "sân nhà", nhưng càng ngày, thương hiệu nội càng "đuối" do hàng kém chất lượng, mẫu mã cũng thua sút, làm marketing và xây dựng thương hiệu cũng hạn chế.
Theo giới chuyên gia, trong chuỗi sản xuất kinh doanh may mặc, khâu thiết kế và phân phối có giá trị thặng dư cao nhất. Thế nhưng, khi nguồn vải phong phú giá rẻ của Trung Quốc, ASEAN qua đường chính ngạch vào Việt Nam lại chính là thách thức với ngành dệt may trong nước.
Có thể thấy, việc cạnh tranh với hàng thời trang ngoại cùng tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng (đặc biệt là giới trẻ) vẫn đang là "bài toán muôn thuở" của các DN may mặc Việt nếu muốn tập trung phát triển thị trường nội địa thay vì nhắm nhiều đến xuất khẩu. Trong khi đó, các chương trình "phủ sóng" hàng thời trang Việt còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc.
Hàng thời trang Việt có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hiện chỉ được bày bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại – vốn là nơi được kiểm soát chặt chẽ các quy định về chất lượng và xuất xứ hàng hóa.
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, thị trường tiêu dùng tiềm năng, số lượng các siêu thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên hàng may mặc được phân phối chủ yếu ở mạng lưới chợ. Đây là nơi mà các DN dệt may Việt cần "chốt giữ" nếu không muốn bị khối ngoại giành phần.
Đối với ngành dệt may trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, cần thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các DN nội địa, đặc biệt là DN nhỏ và vừa nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa.
Thế Vinh