Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của cả nước đã tăng hơn 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, tiếp tục khẳng định vẫn là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Theo đánh giá, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng liền mạch.
Sôi động công nghiệp ô tô
Tại cuộc họp báo tổ chức ở Tp.HCM ngày 26/7 về nền tảng toàn diện thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam, ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc công ty Reed Tradex, bày tỏ ấn tượng về sự trở lại đầy sôi động của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ông Suttisak dẫn chứng dự án sản xuất ô tô "Made in Vietnam" đầu tiên bởi Vinfast – công ty con của Vingroup, đã đầu tư và hợp tác với công ty thiết kế hàng đầu của Ý là Pininfarina và công ty xe hơi hạng sang của Đức là BMW cho dự án này.
Đồng thời, công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất và hiện đại nhất ở Đông Nam Á vào tháng 3 năm ngoái với tham vọng thống trị ngành công nghiệp ô tô.
Ông Suttisak nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, các hãng ô tô cần kết hợp chặt chẽ hơn với các DN sản xuất phụ trợ để cung cấp những linh kiện thiết yếu cho quá trình mở rộng sản xuất… Một chiếc ô tô được cấu thành bởi hơn 30.000 linh kiện, một quốc gia riêng biệt hầu như không thể tự cung ứng được tất cả số linh kiện này".
Vì lý do đó, các nhà đầu tư có xu hướng thành lập các nhà máy vệ tinh xung quanh trụ sở sản xuất chính, tại các quốc gia láng giềng. Việt Nam có một vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN với nhiều cảng biển lớn. Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác với các nhà sản xuất xe hơi của Thái Lan và Indonesia để thiết lập một cụm công nghiệp phát triển bền vững cho ngành công nghiệp ô tô.
"Với 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam cung cấp một chuỗi giá trị cao cho các nhà công nghiệp tại thời điểm này. Những hiệp định này đã giảm đáng kể những trở ngại về thuế quan, mở rộng cánh cửa thu hút rộng rãi các nguồn đầu tư nước ngoài", ông Sutisak nói.
![]() |
Sự sôi động trở lại của công nghiệp ô tô Việt đang cần công nghiệp hỗ trợ góp sức |
Chờ mạng lưới sản xuất nội địa
Còn theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, tổng mức đầu tư đã đăng ký từ nước này vào Việt Nam tiếp tục tăng đáng kể. Theo đó, 70% các công ty Nhật Bản phản hồi tích cực sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới.
Đây là chỉ số cao nhất trong danh sách 6 quốc gia nằm trong bảng khảo sát, bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, ông Takimoto lưu ý rằng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hồi năm 2017 là 33,2%, thuộc loại thấp nhất trong số 6 quốc gia được khảo sát.
Thêm vào đó, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), dẫn số liệu từ Bộ Công Thương cho biết tổng số DN hiện đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là 661 DN.
Tuy nhiên, số lượng DN nội địa thuộc lĩnh vực CNHT của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các DN FDI không nhiều. Một phần do hạn chế của nội tại của các DN nội địa, mặt khác do sự hiểu biết giữa hai phía còn hạn chế, nên việc kết nối giữa các DN FDI với DN nội địa là hết sức cần thiết.
Với góc nhìn của một nhà quản lý trong việc phát triển CNHT, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT Tp.HCM (CSID), cho biết ngành công nghiệp cơ khí tại Tp.HCM đang có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, với chỉ số IIP tăng 7,9% trong giai đoạn 2016-2017.
Theo bà Oanh, năm nay, CSID sẽ phối hợp chặt chẽ với JETRO để hỗ trợ các nhà sản xuất tại Tp.HCM. Đây là cơ hội tốt để DN mở rộng năng lực cung ứng, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong định hướng phát triển CNHT, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), cho rằng trước tiên là cần hình thành được mạng lưới sản xuất nội địa đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nội địa và tham gia hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai là thu hút DN FDI đầu tư vào CNHT đòi hỏi công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba là cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia sản xuất cung cấp các sản phẩm CNHT theo hướng thay thế nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng.
Thế Vinh