Mới đây, tại xã Đắk Ang, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hồi đã hoàn thành lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cà phê cho 35 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề tại thôn Long Zôn.
Vận dụng nghề đã học vào thực tế
Trong thời gian 1 tháng tham gia lớp học, các học viên được dạy các kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê; cách lựa chọn giống phù hợp với địa phương; cách tạo tán, phòng và trị một số bệnh trên cây cà phê, bảo quản cà phê, phương pháp hạch toán kinh tế sau thu hoạch.
![]() |
Học nghề trồng và chăm sóc cây cà phê ở xã Đắk Ang. |
Lớp học đào tạo nghề này nhằm giúp cho lao động nông thôn tại xã Đắk Ang nắm bắt và thực hiện đúng các thao tác cơ bản trong quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê. Từ đó, vận dụng các kỹ thuật đã học được thực hành vào thực tế để tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình.
Còn ở tại thôn Đăk mế xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi vừa qua đã thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả gồm 23 thành viên là hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ dân tộc thiểu số ít người Brâu.
Thông qua mô hình tổ hợp tác trồng cây ăn quả nhằm giúp cho các lao động nữ người Brâu tại thôn Đăk Mế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có cơ hội thuận lợi. Nhất là họ được tham gia các lớp đào tạo nghề nhằm tiếp cận các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm trong sản xuất, chủ động tham gia các mô hình kinh tế tập thể tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Ngay sau khi ra mắt Tổ hợp tác này, Trung tâm khuyến nông khuyến lâm tỉnh Kon Tum đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả và giao trên 2.000 cây giống bơ, sầu riêng, mít thái, xoài cho các thành viên trong Tổ hợp tác.
Trong việc đào tạo cho lao động nữ ở địa phương thì trong 10 năm trở lại đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ngọc Hồi phối hợp với với Trung tâm dạy nghề huyện đa mở 67 lớp tập huấn cho gần 2.000 hội viên, phụ nữ trên địa bàn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cạo mủ cao su...
Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn thành lập các Tổ hợp tác nhằm hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế như: Tổ hợp tác “Nuôi heo địa phương” tại chi hội thôn Dục Nhầy 2 (xã Đăk Dục); “Gian hàng nông sản an toàn” tại chi hội thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục); “Trồng nấm sạch” tại thôn Ngọc Hải (xã Pờ Y). Nhờ vậy, đến nay, nhiều lao động nữ vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.
Tạo chuyển biến cho lao động nghèo
Khắc phục những khó khăn nhằm tạo chuyển biến trong đào tạo nghề nông thôn đã giúp cho huyện Ngọc Hồi từng bước nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt khoảng 40% lao động địa phương) và góp phần giảm số hộ nghèo trong huyện năm 2019 còn 791 hộ, chiếm tỷ lệ 4,96% (giảm 6,48% so với cuối năm 2015).
![]() |
Nghề khai thác mủ cao su giúp lao động nữ ở huyện Ngọc Hồi thoát nghèo. |
Anh A Héo, một người dân làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết nhờ được tham gia đào tạo bài bản về nghề khai thác mủ cao su đã giúp cho các bà con trong thôn thoát nghèo.
Ngoài ra, theo anh A Héo, sau khi tham gia học nghề, các hộ cũng hăng hái trồng cây cà phê càng ngày càng nhiều diện tích, càng mở rộng hơn. Cây lúa được bà con ứng dụng cách canh tác mới để lúa có năng suất hơn.
Các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả cũng giúp cho lao động nghèo trong huyện có chuyển biến nhận thức về học nghề. Huyện Ngọc Hồi hiện có 10 Tổ hợp tác và 18 HTX đang hoạt động với 160 thành viên. Tính đến cuối năm 2019, tổng doanh thu bình quân của các HTX đạt trên 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt gần 200 triệu đồng/HTX, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Điển hình như HTX Kiên Thảo Phát ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ phát triển mô hình cây ăn trái, mô hình VAC cho đến cung cấp vật tư phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học.
Ngoài việc mang lại thu nhập hàng năm cho các thành viên, HTX còn hướng người nông dân trên địa bàn học hỏi các kiến thức về nông nghiệp để gia tăng giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị thu mua.
Như chia sẻ của anh Đặng Công Kiên, Giám đốc HTX: "Khi bà con mua giống, phân bón, cộng các chế phẩm sinh học thì tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân cách trồng, cách chăm sóc rồi phòng trừ sâu bệnh. Rồi khi thu hoạch sản phẩm thì mình có những cái "farm" mua bán nông sản sạch sẽ giới thiệu cho bà con để bà con bán được sản phẩm của mình giá trị nhất."
Thanh Loan