Gia đình anh Trần Mậu Nam, làng OBung, xã Ia Ko, hiện đang chăn nuôi 14 con dê. Trước đây do chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, đàn dê của gia đình anh Nam chậm lớn và hiệu quả mang lại chưa cao.
Hướng đến thay đổi tư duy sản xuất
Từ khi tham gia mô hình “Nông hội xã Ia Ko”, anh Nam được học hỏi nhiều kiến thức về chăm sóc dê thông qua các buổi sinh hoạt của nông hội. Nhờ đó, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm áp dụng vào thực tế chăn nuôi dê của gia đình và đem lại hiệu quả cao.
![]() |
Nghề chăn nuôi dê ở xã Ia Ko đang ngày càng có hiệu quả cao. |
Mô hình này đang trở thành một địa chỉ tin cậy giúp cho bà con nông dân Chư Sê có môi trường để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm về chăn nuôi dê. Đây là mô hình mở, hướng đến sự thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, giúp nông dân tự tin, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Ngoài mô hình nêu trên, trong 5 năm trở lại đây, hàng năm các cấp hội nông dân ở Chư Sê đã tham gia phối hợp đào tạo nghề cho nông dân, mở hàng chục lớp dạy nghề cho nông dân gồm các lớp: Sửa máy nổ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, trồng nấm, thợ nề… cho hơn 1.151 hội viên nông dân tham gia và giải quyết việc làm cho gần 1.000 hội viên.
Chẳng hạn như gần đây, một số hộ nông dân trong huyện đã tham gia các lớp tập huấn và mạnh dạn đăng ký triển khai thí điểm mô hình trồng dược liệu, trồng dâu nuôi tằm cho giá trị cao so với các loại cây trồng khác, hứa hẹn cuộc sống khấm khá hơn.
Hay như ở làng Ring Răng, xã Dun, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhà cửa ẩm thấp, khu chuồng trại chăn nuôi mất vệ sinh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.
Nhận thấy bất cập này, anh Đinh Toăi (40 tuổi) - một người có uy tín trong làng, đã vận động, kêu gọi thanh niên tham gia lớp học thợ xây do Trung tâm Dạy nghề của huyện Chư Sê tổ chức. Đến nay, các thành viên tham gia học nghề đã thành lập nhóm giúp bà con xây dựng nhà cửa, làm chuồng trại.
Ngoài ra, anh Đinh Toăi còn vận động bà con bỏ lối canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng, kêu gọi dân làng tham gia học lớp trồng lúa năng suất cao để tăng hiệu quả trong sản xuất và phát triển kinh tế, vận động bà con hiến đất làm đường, giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Học được cách tạo nên sức mạnh tập thể”
Cập nhật mới đây từ huyện Chư Sê cho thấy, từ năm 2010 - 2020, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 2.500 lao động nông thôn, tập trung chủ yếu vào các nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Sau học nghề, người lao động trong huyện đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
![]() |
Sản xuất dầu Sachi ở HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê. |
Thời gian tới, chính quyền huyện Chư Sê cho biết, sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt là sẽ rà soát, đánh giá đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, xác định danh mục đào tạo gắn với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề để người lao động lựa chọn.
Hơn nữa, huyện sẽ có những giải pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn sản xuất kinh doanh và tạo việc làm sau khi học để phát huy hiệu quả dạy và học nghề…
Ngoài ra, một số mô hình HTX theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ở huyện Chư Sê được ghi nhận đã góp phần vào việc nâng cao các kiến thức về sản xuất nông nghiệp cho nông dân địa phương và tạo việc làm ổn định.
Điển hình như HTX Nông - Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê (xã Ia Blang). Với cây trồng Sachi, HTX đã tạo dựng được chuỗi trồng - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm khá hiệu quả. Hiện, HTX đã đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm có giá trị cao như: dầu sachi, hạt sachi rang sấy, trà túi lọc lá sachi…
Anh Trần Anh Đạt (tổ 7, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: "Khi gia nhập HTX, tôi trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết, có thể tận dụng ưu thế và hỗ trợ nhau trong suốt chu trình sản xuất. Chúng tôi học được cách tạo nên sức mạnh tập thể, cho ra những sản phẩm có giá trị cao hơn mà nếu làm đơn lẻ khó lòng vươn tới".
Thanh Loan