Cách đây không lâu, một lớp dạy nghề rất đặc biệt diễn ra tại thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà). Tại đây, gần 60 ngư dân của thôn đảo tham gia lớp dạy nghề sửa chữa máy nông ngư cơ.
Dạy nghề cho ngư dân thôn đảo
Ông Lê Văn Lâm (thôn Ninh Tân) cho biết : “Xưa nay, ngư dân chúng tôi xài máy tàu cá, máy nổ để đi biển, nuôi tôm cá và phát điện sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chúng tôi lại không biết sửa máy nên mỗi khi máy bị hư hỏng, dù nặng hay nhẹ cũng phải nhờ thợ".
![]() |
Các ngư dân thôn đảo Ninh Tân được đào tạo nghề sửa chữa máy nông ngư cơ |
Tại lớp dạy nghề, mọi người đều rất háo hức, chăm chú ghi chép và thực hành ngay trên những chiếc máy có sẵn. Hàng loạt chiếc máy nổ bị hỏng, bỏ xó vài năm nay, nay được đưa đến lớp học để thực hành. Chỉ sau vài ngày học và thực hành, rất nhiều chiếc máy đã được các ngư dân sửa chữa và hoạt động trở lại.
Nghề sửa chữa máy nông ngư cơ cho người dân các thôn đảo được người dân Vạn Ninh đánh giá cao và đã có hơn 200 người được đào tạo. Hiện nay, người dân các thôn đảo: Điệp Sơn, Khải Lương, Ninh Đảo cũng rất muốn được học nghề sửa chữa máy nông ngư cơ.
Bên cạnh câu chuyện dạy nghề này, trong 10 năm trở lại đây, huyện Vạn Ninh đã triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Toàn huyện đã đào tạo nghề cho hơn 5.400 lao động nông thôn, bình quân mỗi năm đào tạo 540 người. Trong đó, 4.576 lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt hơn 90%.
Hoặc như ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa qua đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2020. Theo kế hoạch, huyện sẽ tuyển sinh 12 lớp với 390 học sinh, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt hơn 85%.
Đối tượng được học nghề trong huyện là lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, đối tượng là phụ nữ không phải lao động nông thôn; lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo; lao động nông thôn khác…
Ngoài ra, huyện Khánh Vĩnh cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề chiếm 25,8%. Đặc biệt, lần đầu tiên, huyện Khánh Vĩnh đã xuất khẩu lao động sang làm việc tại thị trường Ả rập Xê út.
Chú trọng tiếp nhận lao động sau khi học nghề
Mặt khác, huyện Khánh Vĩnh cũng rất chú trọng đến việc vừa phát triển các tổ hợp tác, HTX và vừa thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho các mô hình kinh tế hợp tác. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, huyện sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ HTX, tổ hợp tác, tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho rằng huyện Khánh Vĩnh cần phát triển các ngành nghề dịch vụ nông thôn gắn với tạo chuyển biến căn bản về tập quán sản xuất, ý thức tích lũy tái sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển dân trí và mức sống cho cư dân nông thôn.
![]() |
Huyện Khánh Vĩnh chú trọng phát triển các tổ hợp tác, HTX và vừa thúc đẩy đào tạo nghề |
Cùng với 2 huyện trên, trong năm 2020, tỉnh Khánh Hoà phấn đấu tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 26.751 người lao động. Đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng nhân lực huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng khối sản xuất kinh doanh… Tổng kinh phí để thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển nhân lực tỉnh năm 2020 là hơn 11,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm “đầu ra” sản phẩm hoặc tiếp nhận lao động sau khi học nghề, từ đó giúp lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định.
Hơn nữa, tỉnh còn khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, tỉnh ưu tiên phát triển những ngành nghề mới, nhất là nghề phục vụ thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Thanh Loan