Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 60% nhà đầu tư trong nước đang “án binh bất động” trong việc mua – bán tài sản, 39% dự kiến tạm hoãn kế hoạch, 21% đã trì hoãn đầu tư. Trong khi hơn 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp – hậu cần cũng đang “chờ”.
Nội thận trọng, ngoại tăng tốc
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, nhìn nhận một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là bởi thực trạng nguồn cung. Trong quý II/2025, toàn thị trường TP.HCM chỉ có 1.000 căn hộ và 74 căn nhà thấp tầng được mở bán.
So với cùng kỳ 2024, lượng căn hộ mở bán trong 6 tháng đầu năm 2025 giảm 16%, mức thấp nhất 10 năm qua. Dù các chính sách hỗ trợ bán hàng đang được tăng cường – như chiết khấu lên tới 16%, hỗ trợ vay ân hạn nợ gốc đến 10 năm, hoặc tặng gói nội thất.
Có thể thấy, áp lực tài chính, nợ vay ngân hàng, chi phí vốn cao và quá trình tái cấu trúc danh mục đầu tư cũng là những “chướng ngại vật” khiến các doanh nghiệp nội chọn chiến lược phòng thủ thay vì mạo hiểm mở rộng trong thời điểm nhạy cảm.
![]() |
Đường đua M&A được dự báo tiếp tục sôi động trong nửa cuối năm 2025. |
Trái ngược với tâm lý dè chừng của doanh nghiệp nội, các tập đoàn ngoại – đặc biệt là từ Singapore, Thụy Điển, Malaysia – đang chủ động “săn hàng” tại Việt Nam. CBRE Việt Nam ghi nhận dòng vốn FDI vào bất động sản trong 6 tháng đầu năm chiếm tới 24% tổng vốn FDI, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của khối ngoại với thị trường địa ốc.
Nổi bật nhất là CapitaLand (Singapore) đã chi hàng trăm triệu USD để thâu tóm một phần của phân khu Hải Đăng thuộc Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên). Trước đó, CapitalLand cũng đã đầu tư vào Vinhomes Smart City và Vinhomes Ocean Park 1 để phát triển Lumi Hanoi và The Senique Hanoi.
Chưa dừng tham vọng, CapitaLand thậm chí bày tỏ ý định đầu tư thêm 5 – 7 tỷ USD vào thị trường địa ốc Việt Nam trong các năm tới. Trong khi đó, một nhà đầu tư Thụy Điển mới đây cũng công bố kế hoạch phát triển cơ sở sản xuất 1 tỷ USD tại Bình Định.
Cũng không kém phần nổi bật là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc công bố hợp tác với Tập đoàn Trump trong xây dựng dự án sân golf tại Hưng Yên – một bước đi cho thấy khối ngoại không chỉ đầu tư tài chính mà còn mang theo cả thương hiệu và công nghệ vào thị trường.
Có lo “cá lớn nuốt cá bé”?
Các chuyên gia của Cushman & Wakefield dự báo một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024 - 2026. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Malaysia... nhiều khả năng sẽ tiếp tục “chiếm sóng” trên thị trường.
Có thể thấy, từ góc độ tài chính và chiến lược, theo giới chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài đang nắm nhiều lợi thế rõ rệt trên đường đua M&A. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng không hoàn toàn đứng ngoài cuộc, bằng chứng là hàng loạt thương vụ M&A ghi nhận trong nửa đầu năm.
Điển hình như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons mua lại dự án 18.854 m2 tại tỉnh Bình Dương cũ (dự án trước đây là cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers, thuộc Thuduc House); Tập đoàn Sun Group thâu tóm lô đất A1-2 rộng 2,5 ha tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) từ CTX Holdings để phát triển tổ hợp Sun Felia; Sunshine Group mua lại 55 ha đất thuộc Khu đô thị sinh thái Văn Giang (Alluvia City) từ Xuân Cầu Holdings...
Một điểm đáng chú ý là thương vụ chuyển nhượng 80% vốn tại dự án Thuận An 1-2 của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho một đối tác ngoại “đặc biệt”, giàu kinh nghiệm tại Việt Nam. Đây là minh chứng rằng doanh nghiệp nội vẫn giữ vai trò then chốt trong việc dẫn dắt thương lượng và tạo cầu nối với dòng vốn ngoại.
Đã có nhiều lo ngại về việc “cá lớn nuốt cá bé” khi doanh nghiệp ngoại ồ ạt rót tiền vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc các doanh nghiệp nội nắm lợi thế ngày càng lớn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường… đang khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A, từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển.
CEO Cushman & Wakefield Việt Nam Trang Bùi cho hay, trong bối cảnh thị trường bất động sản chìm trong những áp lực, các doanh nghiệp ngoại khi tiến vào Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại, trong đó có bài toán quỹ đất. Hiện, rất khó để tìm thấy vài nghìn m2 đất sạch ở khu vực trung tâm TP.HCM, bởi lẽ toàn thị trường đã "đứng hình" 3 năm nay.
Hiện tại, chỉ có 2 lựa chọn để tăng quỹ đất. Một là tham gia đấu giá quyền sử dụng các lô đất công, hai là tự đền bù, giải phóng mặt bằng để gom đất. Điểm chung của cả hai hình thức này đều là vô cùng khó khăn, chỉ riêng về pháp lý cũng mất 3-5 năm khiến chủ đầu tư nước ngoài e ngại.
Khó khăn của doanh nghiệp quốc tế lại đang là lợi thế của khối doanh nghiệp trong nước khi đang sở hữu quỹ đất lớn. Chính vì vậy, xu hướng và cũng là lựa chọn tối ưu của khối ngoại hiện tại là liên kết cùng doanh nghiệp nội trong phát triển dự án, tạo nên những giá trị cộng hưởng.
Đồng quan điểm, các chuyên gia từ JLL Việt Nam đánh giá, thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. M&A hiện tại không chỉ là một “game" thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy, các doanh nghiệp nội có thể coi đây như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.
Hưng Nguyên