Đại diện một doanh nghiệp (DN) may ở Hải Phòng cho biết, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất của DN.
Hơn nữa, DN chuyên xuất khẩu (XK) quần áo bảo hộ lao động sang Nhật, hợp đồng đã được ký kết từ đầu năm nên không thể tăng giá sản phẩm, cách duy nhất chấp nhận chịu khoản lỗ phát sinh từ giá điện lần này.
DN phát sinh thêm chi phí
Còn sắp tới, nếu điều chỉnh giá, chắc chắn sản phẩm quần áo của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh so với nhiều nước đang xuất khẩu vào Nhật.
Một công ty chế biến gỗ ở Bình Dương cũng cho biết, điện là nguồn năng lượng chủ yếu của các DN ngành này. Dự kiến sắp tới, chi phí sử dụng điện sẽ tăng ít nhất 10%, ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty.
Tăng giá điện không chỉ kéo giảm sức cạnh tranh của hàng Việt khi XK và cạnh tranh trong nước, đa số các DN sản xuất hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ cũng cho rằng chi phí phát sinh do giá điện tăng sẽ được tính vào giá bán sản phẩm, nên giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) thực hiện đánh giá tác động của các phương án diều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.
Cụ thể, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng 0,26 – 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng 0,15 – 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng 0,22 – 0,25%.
Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối năm 2018, Bộ Công Thương cho biết doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.954 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện là 291.278 tỷ đồng.
Sau khi cộng tất cả thu – chi của EVN năm 2017, thống kê cho thấy EVN vẫn lỗ 2.219 tỷ đồng. Tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của EVN ước khoảng 20.735 tỷ đồng.
![]() |
Các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng 0,26 – 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng 0,15 – 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng 0,22 – 0,25% |
Ngành điện cần minh bạch
Từ đầu năm 2019, khi nguồn cung than cho các nhà máy điện gặp căng thẳng do một số nhà máy điện phía Bắc thiếu than cho sản xuất, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã đề xuất tăng giá bán than cho ngành điện.
Theo đó, từ ngày 5/1/2019, sản phẩm than trong nước và than trộn của TKV đã tăng 11- 18,83%, các sản phẩm của Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng giá 11-15%.
Mới đây, EVN cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc chi phí sản xuất điện sẽ bị đội thêm khoảng 5.500 tỷ đồng do giá than sản xuất trong nước và than trộn được TKV tăng giá bán trong năm 2019.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đánh giá tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DN, đời sống xã hội vì mức tăng tương đối cao, kéo theo tổng tiền điện phải trả tăng tương ứng. Điều đó tạo sức ép tới giá cả, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ trong năm 2019.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện trước sau cũng phải tăng, bởi lẽ báo cáo tài chính của ngành điện cho thấy họ đang phải chịu lỗ. Tuy nhiên, điều mà người dân, DN băn khoăn nhất là việc quản lý giá điện nói riêng và quản lý ngành điện nói chung còn độc quyền, chưa công khai minh bạch đầu vào, đầu ra, chi phí khấu hao, nhân công.
“Tăng giá điện cũng được nhưng ngành điện phải công khai minh bạch đầu ra, đầu vào; cũng như đầu tư của ngành điện phải rõ ràng. Nếu có cơ chế quản lý hợp lý, người dân, DN sẽ dễ dàng chấp nhận hơn”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành điện cũng phải thực hiện tiết giảm chi phí không cần thiết, giảm giá thành sản xuất, đảm bảo lợi nhuận, cuối cùng mới là điều chỉnh giá.
Thy Lê