Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cho biết nhu cầu về máy nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta là rất cao trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa.
Hiện tại, trên thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm máy nông nghiệp của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Hàng ngoại lấn át
Trong đó, các dòng máy Trung Quốc có giá rẻ nhưng chất lượng kém, chu kỳ sử dụng ngắn; trong khi các máy chất lượng cao của Nhật Bản, Hàn Quốc thì có giá thành cao, phụ tùng thay thế sửa chữa đắt, không phù hợp với nhu cầu.
Mặc dù máy cũ (chủ yếu từ Nhật Bản) được nhập và bán ồ ạt vì phù hợp với nhu cầu hơn nhưng các máy này đã được sử dụng nhiều năm, tiêu hao nhiên liệu cao, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Đặc biệt, nếu tiếp tục nhập khẩu máy cũ, Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghiệp trong tương lai không xa.
Trong khi đó, sản phẩm máy nông nghiệp của Việt Nam có chất lượng tốt, giá thành phù hợp, ít ảnh hưởng tới môi trường, nhưng vẫn đối mặt nhiều khó khăn thách thức, sản phẩm sản xuất ra rất khó tiêu thụ.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, đánh giá thị trường Việt Nam bao gồm từ ô tô, xe máy, máy nông nghiệp, công cụ sản xuất của các ngành kinh tế… với dung lượng nhiều tỷ USD tăng theo hàng năm nhưng đều do các công ty, tập đoàn nước ngoài chiếm lĩnh.
Hàng năm, nước ta nhập siêu nhiều tỷ USD toàn bộ vật tư, trang thiết bị sản xuất, nhưng các sản phẩm XK hàng công nghiệp mang nhãn hiệu Việt Nam lại rất ít…
Theo ông Long, suốt một thời gian dài hầu như Việt Nam thiếu các hàng rào kỹ thuật, thiếu công cụ thuế, môi trường để bảo vệ sản xuất nội địa như các nước phát triển luôn chú ý để bảo vệ thị trường nội địa.
Quy định nhập khẩu thiết bị đồng bộ thì thuế suất bằng 0% chỉ khuyến khích các DN nhập khẩu máy móc thiết bị nước ngoài, trong khi hầu hết các dây chuyền thiết bị sản xuất tại Việt Nam, trong đó có các thành phần máy, thiết bị cơ khí Việt Nam đã có thể chế tạo được lại phải chịu thuế từ nhập vật tư, một số loại máy…
![]() |
Quy định nhập khẩu thiết bị đồng bộ thì thuế suất bằng 0% chỉ khuyến khích các DN nhập khẩu máy móc thiết bị nước ngoài… |
Cần thiết lập rào bảo vệ
"Việc dễ dàng nhập khẩu máy, thiết bị đã qua sử dụng, công nghệ lạc hậu tràn lan vào thị trường nội địa làm các DN cơ khí không thể cạnh tranh. Nếu tiếp tục buông lỏng thì sản xuất trong nước không thể ngóc đầu lên nổi", ông Long nhấn mạnh.
Để tạo bình đẳng giữa các DN sản xuất ngành máy nông nghiệp với các DN sản xuất các sản phẩm khác, giữa DN sản xuất trong nước với DN nhập khẩu, các sản phẩm cùng loại, VEAM đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Khoản 3, Điều 5, Luật 71/2014/ QH13 ngày 26/11/2014 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật số 13/2008/QH12.
Cụ thể, sửa đổi nội dung "phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 0%" thay vì là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Chính phủ cần ban hành những chính sách thiết thực, cụ thể để hỗ trợ cho bà con nông dân đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải đối với máy nông nghiệp, việc nhập khẩu máy nông nghiệp đã qua sử dụng.
Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cho ngành cơ khí. Không thể coi sản xuất các mặt hàng cơ khí như các mặt hàng thông thường vì ngành cơ khí cần tích luỹ để đầu tư phát triển chiều sâu.
Đặc biệt phải nhanh chóng nghiên cứu xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất nội địa như các nước rất chủ động sử dụng, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng xâm nhập Việt Nam sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất công nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản xuất.
Bên cạnh đó, khi Nhà nước tính toán tăng trưởng, nội lực của cơ khí Việt Nam cần minh bạch giữa DN cơ khí nội địa và của DN FDI có mặt ở Việt Nam để có thể so sánh.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, cũng cho rằng ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đáp ứng đến 70% nhu cầu thị trường vào năm 2030 nếu có hàng rào phòng hộ, chính sách bảo vệ thị trường hợp lý.
Việc bảo vệ thị trường có thể coi là điều kiện tiên quyết. Điều này đã được kiểm chứng tại các nước trên thế giới, đặc biệt là trong một vài năm trở lại đây khi vấn đề bảo hộ có thể coi là sống còn với các nước phát triển.
Thy Lê