Hiện tại, dự trữ ngoại tệ của Pakistan còn khoảng 8 tỷ USD, tức là chỉ tương đương 7 - 8 tuần nhập khẩu và chính phủ của Thủ tướng Imran Khan đang chờ đợi một khoản vay mới từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Nhiều nhưng chưa đủ
Theo thông cáo của Bộ Tài chính Pakistan, trong khi quá trình thương thảo với IMF còn chưa bắt đầu thì may mắn thay, Saudi Arabia đã nhảy vào cuộc và đồng ý tạm ứng 3 tỷ USD trong thời hạn 1 năm để hỗ trợ Pakistan điều chỉnh lại cán cân thanh toán, cùng với đó là 3 tỷ USD dưới dạng trả chậm 1 năm tiền nhập khẩu dầu.
Quyết định của Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh khá nhạy cảm, khi dư luận quốc tế đang xôn xao về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi đầu tháng này.
Khoản hỗ trợ này tương đương với 1/3 thâm hụt tài khoản vãng lai của Pakistan (hiện là 18 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 vừa qua. Một số nhà phân tích nhận định thâm hụt của năm tài chính hiện tại có thể lên tới 25 tỷ USD hoặc hơn thế nữa.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Pakistan tiết lộ với tờ Financial Times rằng dù số tiền hỗ trợ nêu trên mang rất nhiều ý nghĩa, cả về giá trị tiền bạc lẫn tinh thần, nhưng chưa đủ để Pakistan tránh được "bước đường cùng" là cầu cứu IMF, dẫu biết rằng IMF luôn đi kèm với nhiều điều kiện ngặt nghèo.
"Khoản vay từ Saudi Arabia giúp Pakistan thoát khỏi sự cô lập về kinh tế. Nó cho thấy Pakistan có những người bạn sẵn lòng giúp sức. Ngoài Saudi Arabia ra thì chúng tôi cũng mong đợi Trung Quốc sẽ giúp đỡ. Nhưng cuối cùng, chúng tôi sẽ cần tìm đến IMF, vì đó là cách duy nhất để tiếp cận các nguồn tài chính khác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các thị trường", vị này cho biết.
Ông Nadeem ul Haq - từng là chuyên gia kinh tế gia cao cấp của IMF và Phó Chủ tịch ủy ban kế hoạch của Pakistan, bổ sung thêm rằng Pakistan vẫn sẽ phải cải cách nền kinh tế và chấp nhận sự khắc nghiệt của nó. Ông còn ví von "muốn khỏi ốm thì phải gặp bác sĩ" khi nói về vai trò cần thiết của IMF đối với Pakistan trong giai đoạn này.
Trên thực tế, Pakistan đã chính thức yêu cầu hỗ trợ tài chính từ IMF tại cuộc họp thường niên của cơ quan này tại Bali, Indonesia, từ hôm 11/10. IMF cho biết sẽ cử đoàn công tác đến Islamabad để đàm phán trong tháng 11 tới và đánh giá sơ bộ về quy mô dự kiến của gói hỗ trợ.
![]() |
Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong chuyến thăm Saudi Arabia ngày 18/9 |
IMF là tia sáng cuối đường hầm
Tuy nhiên, việc có hay không một "phao cứu sinh" như vậy thì chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Pakistan là một "khách hàng thường xuyên" của IMF với nhiều lần vay tiền giải cứu trong vài thập kỷ trở lại đây, mà gần nhất là hồi năm 2013.
Nhưng khách quen không đồng nghĩa với dễ dãi. Ngược lại, IMF muốn bảo đảm rằng đồng tiền cho vay phải thực sự hữu ích và đạt hiệu quả cao về cải cách để giúp Pakistan xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc hơn về lâu về dài.
Bên cạnh đó, Pakistan đã và đang nhận được nhiều hỗ trợ từ Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, những khoản vay này bị cho là thiếu minh bạch và bị chính quyền Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho IMF, đặt nhiều dấu hỏi.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho rằng không có lý do gì để những đồng tiền của IMF với mục tiêu hỗ trợ Pakistan cuối cùng lại chảy vào túi người Trung Quốc.
Về phần mình, IMF khẳng định luôn yêu cầu sự minh bạch của các món nợ mà mỗi quốc gia đang có (về bản chất, quy mô và các điều khoản) trước khi xem xét giải ngân hỗ trợ tài chính và quan điểm này áp dụng trong mọi trường hợp chứ không chỉ riêng đối với Pakistan.
Hải Châu