Trung Quốc chủ trương hạn chế tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực quan trọng bằng cách cho phép các công ty tư nhân tham gia sâu, kể cả liên quan tới tên lửa.
“Liên hiệp quân sự dân sự” - ám chỉ việc tận dụng khối doanh nghiệp tư nhân để phục vụ sự nghiệp quốc phòng, là một chủ đề nổi bật tại Triển lãm Hàng không Chu Hải diễn ra trong tuần qua. Ở đó, thông qua hàng hóa dịch vụ của mình, các đơn vị tham gia triển lãm muốn nhắn nhủ rằng sản phẩm của họ hoàn toàn có thể đóng góp cho chiến lược an ninh quốc gia.
Nới lỏng “vùng nhạy cảm”
Không chỉ có các công ty tư nhân, khá nhiều doanh nghiệp quốc phòng của nhà nước và chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đã rót tiền vào một số quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ, với mục tiêu là định hướng, hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia quá trình hiện đại hóa lực lượng quân đội.
Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc, kể từ năm 2016, chính quyền các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp nhà nước đã chung vốn thành lập hơn 14 quỹ như vậy để cung cấp tài chính cho các công ty tư nhân có công nghệ hứa hẹn tiềm năng ứng dụng trong quốc phòng.
Quỹ Công nghiệp Sáng tạo Quân sự - Dân sự Phật Sơn là một trong những quỹ có quy mô lớn nhất với giá trị 200 tỷ Nhân dân tệ (xấp xỉ 28,75 tỷ USD), được thành lập vào tháng 9/2017 với vốn đóng góp của Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc và chính quyền thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông.
Cũng theo Financial Times, những năm gần đây, Trung Quốc có chủ trương hạn chế tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực quan trọng bằng cách cho phép các công ty tư nhân tham gia quá trình thiết kế, sản xuất và vận hành rất nhiều mặt hàng quốc phòng, từ viễn thông cho tới cả tên lửa.
Cho dù các doanh nghiệp quốc doanh có tên tuổi như tập đoàn sản xuất vũ khí Norinco hay công ty hàng không vũ trụ AVIC vẫn chiếm ưu thế trong các dự án quốc phòng lớn, song việc nới lỏng “vùng nhạy cảm” đã tạo được hiệu ứng thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia sâu hơn trong những lĩnh vực liên quan, như truyền thông bảo mật, vũ khí hạng nhẹ và phương tiện không người lái.
Kết quả của chiến lược trên là khu vực tư nhân đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp nhà nước trong việc phát triển các dự án trọng điểm, mà sau đó thường là để bán cho các quốc gia khác.
![]() |
Trung Quốc thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia sâu hơn trong chế tạo vũ khí và phương tiện không người lái |
Mối quan hệ tương hỗ
Guangdong Hongda (từng là công ty kim loại và khai thác mỏ) đã thành lập một công ty con trong năm 2011 để sản xuất tên lửa tầm ngắn và các thiết bị nổ có thể gắn dưới máy bay không người lái và có người lái.
Hongda thiết kế tên lửa và hệ thống đẩy, đồng thời tiếp nhận hệ thống điều khiển từ đối tác là nhà thầu quốc doanh. Sự kết hợp này giúp tiết kiệm chi phí cho cả hai bên, thay vì phải tự phát triển từ A đến Z.
Ở chiều ngược lại trong mối quan hệ tương hỗ này, một số doanh nghiệp nhà nước khác, từng được giao nhiệm vụ duy nhất là phục vụ các tập đoàn quốc phòng, cũng đang được khuyến khích mở rộng sang lĩnh vực dân sự.
Vào năm 2016, Haige Communications Group - một doanh nghiệp quân đội từng thuộc lực lượng Hải quân, đã cho ra mắt sản phẩm điện thoại vệ tinh tương thích với các vệ tinh của Mỹ và châu Âu. Kế hoạch sắp tới của đơn vị này là đến năm 2020 sẽ xuất khẩu điện thoại sang các nước tham gia Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
Một ví dụ khác, là trường hợp China Electronics Corporation (CEC) - một công ty nhà nước có vai vế trong lĩnh vực phần cứng viễn thông, đã thâu tóm luôn Maipu, một startup về phần cứng truyền thông mạng bảo mật, vào năm 2015.
Phytium - công ty con của CEC, chuyên sản xuất chất bán dẫn, cung cấp cho Maipu toàn bộ chip máy tính của mình để startup này không còn phải phụ thuộc vào các chip nhập ngoại nữa.
Việc này giúp Maipu đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh khách hàng ngày càng yêu cầu cao đối với hàm lượng nội địa hóa vì lý do an ninh.
Hải Châu